Vô Úy Trong Thời Mạt Pháp (Phần II) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vô Úy Trong Thời Mạt Pháp (Phần II)

459
09/03/2023 - 19:37

 

Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa 

Chúng ta đang đàm luận về Vô Úy trong thời mạt Pháp, về thời đại hắc ám ngày nay hay nhiều người còn gọi là thời đại suy đồi. Chúng ta nói: “Thời mạt Pháp” có nghĩa là một khoảng thời gian hắc ám. Ta luôn nói thời đại này đang thay đổi và đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhưng thực ra thì chính quan niệm của chúng ta mới đang trở nên hỗn loạn, sự hỗn loạn đó là lý do tại sao thời đại này trở nên tồi tệ. Thêm nữa chúng ta cho rằng thời đại này cũng là nguyên nhân của mọi rắc rối, nhưng sự thực thì không phải vậy. Đó chỉ là cách chúng ta nhận thức và nhìn thế giới đang suy đồi, có thể tôi không nên nói là suy đồi, mà chỉ hơi hỗn loạn một chút. Thực tế là chúng ta đang ở trong hoàn cảnh rất tốt và ta không nên đổ lỗi cho bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì khác, hay nghĩ rằng ngày nay con người rất tồi tệ. . Thời đại này bản thân nó không hề tồi tệ, con người sống trong thời đại đó, gồm cả bạn và tôi cũng không tồi tệ. Tôi chỉ cảm thấy nó hơi hỗn loạn, nhưng trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, chúng ta vẫn có thời gian, có biện pháp giải quyết để chuyển hoá bản thân được tốt hơn. Vấn đề đơn giản là bạn cần luôn tỉnh thức trong đời sống , chỉ có vậy thôi. Bạn thực sự không phải thực hiện một cuộc cải cách vĩ đại hay một vấn đề lớn lao nào; thực sự thì mọi thứ đang hiện hữu trôi chảy một cách tự nhiên như vốn có. Điều duy nhất mà bạn phải làm như tôi đã nói với bạn trước đó là hãy truy tầm và khám phá chính bản thân mình để biết “Cái Tôi” đang trú ngụ ở đâu; “bạn” đang ở đâu; tất cả mọi thứ từ đâu xuất hiện. Bạn cần hiểu rõ rằng, mọi thứ đều bắt nguồn từ “Cái Tôi”. Bởi vậy hãy chính niệm và tỉnh thức trong mọi hoạt động dù là nhỏ nhất, khi đó mọi thứ sẽ dần được sáng tỏ.

THẾ GIỚI NÀY ĐẦY GIẢI PHÁP VÀ CƠ HỘI

Nếu theo một vài cách nhìn của tôn giáo thì ta có thể nói thời đại này đang rất tồi tệ; đây là thời vô minh hắc ám và đang bị suy đồi. Đúng vậy, đúng là sự suy đồi đang có mặt nhưng chúng ta vẫn có một giải pháp, một giải pháp đã từng được đưa ra. Nếu chúng ta tin vào địa ngục và thiên đường thì thậm chí khi chúng ta đọa xuống địa ngục, sẽ vẫn có một phương pháp để thoát khỏi địa ngục. Bởi vậy luôn luôn có giải pháp; đầy những giải pháp, đầy những cơ hội. Đó là một thông điệp tuyệt vời, vì thế nên chẳng có lý do nào khiến bạn thoái chí, nản lòng hay thất vọng, sợ hãi. Điều duy nhất bạn cần phải có là chính kiến. Càng sống với thực tại thì bạn càng trở nên vô úy.

Như tôi đã đề cập trước đó, sống trong thực tại là vô cùng quan trọng thay vì việc đổ lỗi cho mọi thứ. Chẳng hạn, bạn đổ lỗi cho thời đại, đổ lỗi cho bạn bè hoặc người nào đó đã làm cho bạn sân giận, thoái chí, bực bội, nhưng rốt cục thì bạn đã làm gì? Bạn chẳng hề có giải pháp đúng đắn. Giải pháp của bạn là tiếp tục tranh đấu và làm cho đời sống của mình, trong cả gia đình và xã hội, thêm hỗn loạn. Có lẽ điều này sẽ tạo ra càng nhiều khổ não trong đời sống, bạn có thể nhìn thấy nó một cách rõ ràng. Giải pháp đúng đắn cho bạn là đối mặt với thực tế, không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Vì đổ lỗi không phải là cách tồn tại chân thực trong thế giới này, nó chỉ bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, cảm giác bất an và sự thiếu ý thức về tự do. Chính vì lẽ đó mà chúng ta luôn rất phụ thuộc vào mọi người và những sự vật bên ngoài. Và hoàn toàn cố chấp vào những thứ đó. Xét về mặt triết học, về mặt tâm linh hay tôn giáo, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh và khi đó sự đổ lỗi sẽ lại xuất hiện. Bởi vậy bạn không nên phụ thuộc vào bất kỳ ai. Bạn cần tự lực, độc lập, bạn phải tự do.. Đây là cái mà chúng ta gọi là tự do giải thoát.

Tự lực là vô cùng quan trọng, mặc dù bạn có thể sống với bạn bè, với gia đình dưới cùng một mái nhà. Tất nhiên, mái ấm gia đình rất quan trọng, nó che chở cho bạn. Bất kỳ điều gì bạn cần một cách tương đối trong thế giới này như gia đình, con cái, công việc kinh doanh, bạn hãy chào đón bất kỳ điều gì mình đang trải qua. Hãy xem đó là một phần trong đời sống của bạn, chẳng có gì trái với thực tại và điều này cần phải được trân trọng. Nhưng cùng lúc thì hai thực tại tương đối và tuyệt đối đều rất cần thiết. Thực tại tương đối mà chúng ta đang đàm luận là gia đình, bằng hữu, đời sống xã hội và tất cả những thứ tương tự. Nhưng đồng thời cũng có một thực tại tuyệt đối, đó là chân tâm bản tính của chúng ta, nó ở đâu và nó là như thế nào? Vì lẽ đó, hai thực tại này thực sự là một kho báu cho loài người. Những hữu tình khác như động vật, như súc sinh, dù có khôn ngoan như thế nào cũng không thể nhận thức hai thực tại này, đặc biệt là thực tại thứ hai. Điều này là rất khó cho chúng do ngôn ngữ và những báo chướng mà chúng phải đối mặt. Tôi không biết có thể chúng cũng hiểu theo một hình thức khác không, dù chúng rất tinh khôn nhưng chúng khó có thể nhận ra thực tại. Tuy nhiên, loài người chúng ta có được kho báu của riêng mình, đó là khả năng nhìn thấu được hai thực tại này và biết được chân giá trị của chúng. Do đó, sẽ chẳng có lý do nào cho chúng ta sợ hãi hay sân giận, thoái chí hay tuyệt vọng…Loại cảm xúc này sẽ không bao giờ có mặt bởi vì bạn đã nhận chân được hai thực tại.

NHẬN THỨC ĐƯỢC TỰ DO SẼ MANG LẠI CHO BẠN HẠNH PHÚC

Vì lẽ đó, hai thực tại là vô cùng trọng yếu, nó giúp chúng ta không đổ lỗi và mang lại cho ta rất nhiều tự do. Nhận thức được tự do sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc, rũ bỏ bất cứ nỗi bất hạnh hay sợ hãi nào.

Hạnh phúc mà chúng ta đang bàn luận không phải là kiểu hạnh phúc được thể hiện ở hình thức bề ngoài như: mỉm cười, cười đùa, nhảy múa hay ca hát mà đây là hạnh phúc chân thật. Còn cái được gọi là hạnh phúc mà chúng ta đang trải nghiệm thì, như mọi người đều biết, không chân thực và bền chắc. Đêm nay bạn có một khoảng thời gian tuyệt vời tại một bữa tiệc hay là một cuộc vui nào đó, bạn có thể ăn uống và tất cả mọi thứ ở đó đều rất vui vẻ. Nhưng ngày mai khi thức dậy vào buổi sớm, bạn sẽ thấy đau đầu, cơn đau đầu đó là lời chào đón đầu tiên của thế giới này với bạn theo sau đó là những trải nghiệm tiêu cực! Đây là một ví dụ về hạnh phúc tạm thời.

Điều này có nghĩa loại hạnh phúc này không bền chắc, không chân thực. Theo ý tôi, chúng ta hãy khoan bàn luận về sự bền chắc vĩnh hằng vì bản thân ta cũng chưa bình ổn thậm chí chỉ trong một vài ngày. Sự bình ổn chỉ kéo dài trong một vài giờ, nó rất mong manh và chỉ là một cảm giác đan xen lẫn lộn, nó không phải hạnh phúc chân thực. Tôi không cho rằng nó là một hạnh phúc thuần khiết tuyệt đối mặc dù tôi chưa từng trải nghiệm loại hạnh phúc đó. Hạnh phúc mà chúng ta cảm nhận sẽ hoàn toàn khác khi ta không còn sợ hãi, khi ta đã suy xét, quán chiếu tường tận được “Cái Tôi” đang làm gì và “Cái Tôi” là gì. Dù cho bạn ở trong hoàn cảnh hỗn loạn hay trong trạng thái được gọi là hạnh phúc, dù cho bạn có bị xáo trộn trong công việc hay do hoàn cảnh bên ngoài thì “ở bên trong” tâm bạn vẫn bình ổn, bạn có thể nương tựa vào đó. Ngay khi đó, chắc chắn bạn không cần nương tựa vào người khác bởi vì bạn đã độc lập “ở bên trong”.

CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG LÀ SỰ TOẢ RẠNG ÁNH ĐẠI TỪ, ĐẠI BI

Dù “bên ngoài”, bạn có thể vẫn cần một thứ gì đó nhưng “ở bên trong”, bạn đã có một nơi nương tựa. Bên ngoài, bạn có thể dựa vào gia đình, công việc hay rất nhiều thứ khác và tất cả những điều đó đều tốt đẹp. Bạn hoàn toàn hạnh phúc, tràn đầy lòng yêu thương và từ bi, bạn là người hoàn hảo. Bạn chia sẻ tình thương với tất cả những ai tới thăm gia đình bạn, với những người quen biết bạn mà bạn có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Đây là cái mà những Phật tử chúng ta gọi là sự tỏa rạng ánh đại từ, đại bi. Tuy nhiên chúng ta không nhất thiết phải nói ra những điều đó. Là một người bình thường, bạn cũng có thể cảm nhận được, ngày hôm nay trong thế giới này thật là may mắn có rất nhiều người bạn muốn chung sống và chia sẻ. Cho dù họ không phải là những người vĩ đại thì họ cũng đáng yêu thương để được cùng chia sẻ, họ thật bao dung và đầy lòng kiên nhẫn. Những người này có phẩm hạnh tỏa rạng một không gian an lành một cách tự nhiên không gượng ép bởi vì phẩm hạnh đó vốn “ở bên trong” họ. Nhưng có nhiều người lại hành động theo những phương cách ngược lại, mặc dù bề ngoài dường như hoàn toàn tốt đẹp nhưng nếu bạn ngồi với họ chỉ trong khoảng một vài phút thì bạn cảm thấy khó chịu và tồi tệ. Tần số dao động của bầu không khí này hoàn khác vì nội tâm họ lầm lạc, chẳng có tình thương nào hiện diện ở đó. Tâm của họ tràn đầy sợ hãi. Dù họ không cố ý, họ đang biến môi trường bên ngoài trở nên tiêu cực, bất ổn. Một ngày nào đó điều này cũng có thể xảy ra với bạn, cho nên bạn phải tỉnh giác được chúng.

NẾU MUỐN ĐẠT ĐƯỢC VÔ UÝ THÌ TRƯỚC HẾT CẦN SỐNG TỈNH THỨC TRONG THỰC TRONG THỨC TẠI

Nếu muốn đạt được vô uý thì trước hết cần sống tỉnh thức trong thực tại. Khi bàn về điều này tôi luôn yêu cầu bằng hữu của mình hãy sống tỉnh thức trong thực tại. Tôi không bao giờ bàn luận về những thứ viển vông xa vời với thực tế mãi tận trên mây, nếu muốn tôi có thể làm vậy trong nhiều ngày, nhiều tháng. Tôi có thể kể những truyện cổ tích đại loại như vậy. Nhưng tôi thực sự không muốn, không hoan hỷ, thoải mái khi làm điều này. Tôi không thích viển vông vì nó không thực tế. Thực tại là phương cách mà bạn phải giải quyết những vấn đề trong đời sống thường nhật. Nếu bạn thấu hiểu được thực tại thì khi đó bạn sẽ đạt được sự chân thật, có thể gọi đó là Niết Bàn hay Thiên Đường hay bất kỳ tên gọi nào mà bạn muốn. Bạn sẽ đạt được điều đó ngay trong đời mình, ngay trong chính giây phút này. Đó chính là thực tại đáng tin cậy. Tại sao ta lại không tìm cầu nó thay vì chỉ lãng phí thời gian bàn suông về những thứ tầm phào vô vị không thể có được?

Vấn đề đầu tiên là thực tại. Tất nhiên khi nói tới thực tại thì những người đang đau khổ có thể thấy rằng: “Thực tại của tôi là đau khổ, tôi phải làm gì đây?” Thực ra, cảm giác như vậy không phải là thực tại. Đau khổ, sợ hãi hay bất cứ thứ gì khác tương tự đều không phải là thực tại của bạn. Nó chính là thứ bị ngụy tạo bởi “Cái Tôi”, bởi ham muốn và sự vô vọng. Tất cả những điều này đến đồng thời rồi tạo thành trạng thái được gọi là khổ đau. Đây là hệ quả của việc thiếu trí tuệ và sự hiểu biết. Lấy ví dụ như, nếu bạn bị bệnh hoặc bị đau yếu trong thân vật lý, khi ấy nếu như tinh thần bạn dũng mãnh thì sẽ có phương pháp hiệu quả chữa trị căn bệnh này. Sự dũng mãnh tinh thần chính là sự độc lập, sự tự do. Tuy nhiên nhiều khi có thể là quá muộn để phát triển sự dũng mãnh tinh thần vì khi bạn quá ốm yếu thì sự thoái chí, nản lòng sẽ xuất hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cấp thiết tìm được giải pháp trước khi thân thể trở nên mỏi nhọc lão hóa. Sự mỏi nhọc về thể xác không chỉ có nghĩa là thân bệnh mà còn là tất cả rắc rối lớn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Những rắc rối này cần được hóa giải thông qua tâm của chúng ta. Bởi vậy, nếu bạn có được tâm an bình, có sự tiến bộ của việc phát triển tâm linh trong đời sống của mình thì điều này là rất tốt.

Đây là giáo pháp cứu kính về thực tại mà chúng ta mong muốn đạt được. Bởi vậy bạn nên biết tầm quan trọng của việc đừng đổ lỗi cho ai hay bất kỳ điều gì. Bạn không nên đổ lỗi cho thời đại, cho bất kỳ ai khác, kể cả cho chính mình. Chẳng hạn như, khi bạn làm điều gì xấu thì không nên đổ lỗi cho mình bởi nếu như vậy, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Tôi không nói là bạn chưa từng đổ lỗi nhưng thực sự đó là một tình huống rất khó. Việc hối hận đổ lỗi cho chính mình là hoàn toàn vô ích, thay vì vậy bạn nên đổ lỗi cho việc ngộ nhận sai lầm về “Cái Tôi”. Bạn nên nói rằng: “Vì tôi ngộ nhận sai lầm nên đã làm điều sai trái này, nhận thức của tôi trở nên không được sáng suốt. Tôi đã ngộ nhận”. Điều này có nghĩa là những hành động xấu xa, tội lỗi, những nghiệp bất thiện mà bạn đã tạo có thể là một bài học rất hữu ích để bạn nhận ra cội nguồn chân thực của hạnh phúc chính là sự độc lập, tự do thay vì trạo hối ân hận: “Tôi đã làm điều tồi tệ đó, tôi thật vô dụng, tôi thấy xấu hổ với chính mình”. Sự hối tiếc này là một kiểu sân giận, bạn đang ngày càng trở nên sân giận với chính mình. Khi đó bạn đang thúc đẩy một hình thức sân giận khác đó là sự sân giận vào chính mình. Tôi không cho rằng trạo hối sân giận với chính mình là tốt và lành mạnh, nhưng tất nhiên còn tùy thuộc vào sự đánh giá và bàn luận của bạn.

THEO TÔI, THỰC TẠI CÓ NGHĨA LÀ XA LÌA NGỘ NHẬN, XA LÌA HIỂU BIẾT SAI LẦM

Một số người cho rằng hạ thấp mình là rất tốt, họ coi đó là một hình thức thực hành tịnh hóa hay sám hối vĩ đại. Họ cho rằng đó là một giải pháp hiệu quả để tịnh hóa, tôi không muốn tranh luận về điều này. Nhưng theo tôi, thực tại có nghĩa là xa lìa ngộ nhận, xa lìa hiểu biết sai lầm. Ngộ nhận là căn nguyên của những rắc rối phức tạp. Khi đó trí tuệ hiểu biết cần phải có mặt ở đó, bạn cần nhận ra rằng bạn đã ngộ nhận, đã suy nghĩ và hành động sai lầm. Bởi vậy nếu bạn muốn đổ lỗi thì cái mà bạn nên đổ lỗi đó là quan niệm về “Cái Tôi” của chính bạn đang tồn tại rất kiên cố. Bạn không có quyền đổ lỗi cho bất kỳ ai trên thế giới này, thậm chí nếu họ có đối xử thô bạo và tồi tệ với bạn. Sau cùng, nói một cách thực tiễn thì tốt hơn hết bạn hãy tìm ra nguyên nhân và cội rễ của hành động đổ lỗi, khi đó bạn sẽ có hiểu biết đúng đắn và sẽ có thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu để trở nên bình đẳng, hòa hợp và tự chủ với mọi người. Nếu bạn cứ tiếp tục đổ lỗi cho người khác thì hành động này một lần nữa tạo ra những hỗn loạn. Trên thế giới này hiện có rất nhiều mâu thuẫn, chiến tranh, xung đột chính trị và tất cả những thứ tương tự. Nguyên nhân căn bản là vì mọi người không thấu hiểu lẫn nhau, nên không có cách để tìm ra giải pháp đúng đắn. Trái lại, giải pháp của họ cứ luôn theo xu hướng nhị nguyên: bản ngã và đối tượng, ta và người.

“Cái Tôi” rất kiên cố, bản ngã rất kiên cố! Dù cho một người quyền lực đến mức nào thì người đó vẫn bị chi phối bởi “Cái tôi” kiên cố. Dù họ có nỗ lực hết mình để mang lại hòa bình cho thế giới thì họ vẫn bị dẫn dắt bởi “Cái Tôi”. Vì thế nên họ phải tranh đấu rất nhiều, họ phải sử dụng vũ khí và những giải pháp bạo lực tương tự. Tuy nhiên đó không phải là giải pháp duy nhất. Giải pháp chân thật là tìm ra “Cái Tôi” đang ẩn náu ở đâu. Tất nhiên tôi chẳng có quyền gì, tôi chẳng là ai cả để đàm luận những điều này với những nhà chức trách vì họ thật vĩ đại (Họ nghĩ là mình rất vĩ đại!). Nên tôi đã giữ im lặng, tuy nhiên tôi rất mong rằng họ có được sự nội chứng sáng suốt ở bên trong và tìm được ra cách để khám phá xem họ thực sự là ai và những hành động của họ bắt nguồn từ đâu. Họ nên đào sâu tới tận gốc rễ của vấn đề, khi đó họ sẽ nhận ra những thứ mang lại hòa bình đích thực cho thế giới. Những điều này là vô cùng cần thiết.

Dù chúng ta có rất ít người trong giảng đường tối nay, rất ít so với toàn bộ dân số thế giới, và chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, nhưng chúng ta nên đem trí tuệ mà chúng ta có được qua cuộc bàn luận này về nhà và chia sẻ với những người khác. Chúng ta có thể nói: “Vị này đã bàn luận về hai nội dung vô cùng quan trọng”. Nội dung thứ nhất đó là sống tỉnh thức trong thực tại và thấu hiểu hai khía cạnh của thực tại. Nội dung thứ hai là đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, thậm chí cho chính bản thân. Đây là hai điểm mà bạn cần thấu hiểu. Khi đó bạn sẽ biết cách sống trong thế giới này như thế nào. Còn nếu không, bạn sẽ không thể biết và không thể có được sự an lạc trong đời sống của mình, đời sống của bạn dường như rất phức tạp.

BẠN KHÔNG NÊN NGUỴ TẠO BẤT KỲ ĐIỀU GÌ

Tiếp theo ta bàn về sự ngụy tạo trong đời sống của bạn vì việc đổ lỗi chính là bước thứ hai của ngụy tạo. Bước thứ nhất là chúng ta thường “dán nhãn mác” cho sự vật, rồi lại bám chấp vào chính những “nhãn mác” đó. Việc này là không đúng, nó dẫn tới nhiều rắc rối. Thay vì như vậy, không nên bám chấp, hãy để mọi thứ tự nhiên như nó đang là. Lấy ví dụ, khi bạn cho rằng một người nào đó là bạn tốt thì sự cố chấp này sẽ dẫn tới nhiều rắc rối, phiền muộn. Điều này là không đúng và nó chính là nguyên nhân dẫn đến sợ hãi. Bạn cũng có thể nhìn thẳng vào người đó mà nói: “Đây là một người xấu”. Nếu vậy thì bạn đang nói tới ai? Bạn thực sự không biết, chỉ phỏng đoán mà thôi. Theo tôi cách nói: “Tôi cho rằng đây là một người xấu” thì tốt hơn. Ý tôi là tất cả mọi người nên tôn trọng khi một người nói rằng: “Tôi nghĩ rằng đây là một người xấu”. Không cần thiết phải tranh luận về điều này. Tuy nhiên, nếu bạn quyết chắc 100% rằng “đây là một người xấu” hay kia là người tốt thì điều này sẽ gây ra rất nhiều rắc rối. Bạn không nên quyết chắc như vậy. bởi vì chẳng có thứ gì chắc chắn 100% trên thế giới này cả. Còn nếu như bạn cứ quyết đoán như vậy thì nhiều rắc rối phiền muộn sẽ xuất hiện từ sự bám chấp vô ích đó. Ví dụ đối với một người bạn. Nếu ngay từ lúc đầu gặp gỡ, bạn đã chắc chắn anh ta là một người tốt để cùng chung sống thì dù sớm hay muộn suy đoán này cũng sẽ tạo ra một loạt những rắc rối gấp hai hay ba lần. Việc quyết đoán, dù ban đầu có thể tạm ổn trong một vài ngày nhưng rồi sau đó nó sẽ chẳng đem lại bất kỳ điều gì tốt đẹp, rất nhiều rắc rối lớn sẽ xuất hiện. Còn nếu bạn không bám chấp vào tri kiến của mình thì bạn có thể sống với người bạn đó cho dù tốt hay xấu, đó là vì bạn đã không bám chấp. Nếu không có kỹ năng hay sự hiểu biết thì tốt nhất là không nên quyết đoán. Bạn không thấu hiểu “Cái Tôi” khởi hiện từ đâu thì làm sao “Cái Tôi” có thể quyết đoán điều này. Và nếu cứ quyết đoán thì sự quyết đoán này bắt nguồn từ đâu và đến bằng cách nào? Do đó hai thuật ngữ “sự quyết đoán” hay “sự ngụy tạo”, tôi đang sử dụng là cùng một loại, bạn đã ngụy tạo người này là xấu, điều này không tốt chút nào, vì nó làm bạn yên chí rằng người đó là xấu thật. Nếu bạn nhận ra và tuyên bố rằng: “Tôi nghĩ người này là xấu” thì cũng không sao, nhưng bạn đã không nói như vậy. Bởi vì bạn đang ngụy tạo, bạn đã quyết đoán rằng những gì bạn nói là hoàn toàn đúng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sợ hãi. Thế nên nó thực sự là một chướng ngại và bạn không nên ngụy tạo bất kỳ một điều gì.

Nếu không ngụy tạo thì chúng ta nên coi tất cả bạn bè, kẻ thù và mọi thứ khác là một phần trong đời sống của mình. Theo tri kiến của tôi thì rất quan trọng và hữu ích nếu bạn coi tất cả mọi thứ là một phần đời sống của bạn. Theo kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đây là một bài học, một bài pháp vô cùng trọng yếu. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi buộc bạn phải theo, tôi chỉ muốn bạn nên tôn trọng bài học đó thông qua hiểu biết chân chính của mình. Sự hiểu biết đó không phải là sự tôn kính về mặt hình thức, ví như cúi rạp đầu hay những nghi lễ tương tự. Bạn cũng không phải cúi đầu trước kẻ thù và thú nhận đây là sự ngụy tạo của bạn. Bạn chỉ cần cư xử một cách chân thành, chỉ phải giữ mối quan hệ kính trọng với họ, rồi tất cả mọi thứ sẽ trôi chảy tự nhiên. Cuộc sống của bạn sẽ tự do, thật tuyệt vời tất cả mọi thứ đều nâng đỡ, chở che cho bạn, ngay cả kẻ thù cũng sẽ nâng đỡ bạn, giúp bạn có thêm sự hiểu biết trí tuệ, tình thương, lòng từ bi và sự tu tập. Như vậy bạn sẽ đạt được toàn bộ giáo pháp cứu kính. Tôi gọi đó là giáo pháp cứu kính …Tôi không biết người khác có dùng thuật ngữ này hay không. Giáo pháp cứu kính thật vĩ đại. Bạn gặp kẻ thù và kẻ thù sẽ mang lại cho bạn một giáo pháp hoàn hảo, một bài học ý nghĩa. Bạn gặp người bạn của mình và tất nhiên người đó cũng mang lại cho bạn một bài pháp tuyệt vời. Dù bạn có phải trải qua bất kỳ điều gì như thời tiết nóng hay lạnh, khó khăn hay thuận lợi v.v… thì tất cả những điều đó đều là trải nghiệm lớn lao vì chúng sẽ trợ giúp cho bạn thành tựu trí tuệ nội chứng.

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

H: Kính bạch Pháp Vương! Xin Pháp Vương từ bi chỉ dạy bằng cách nào để có thể chuyển hóa sự sợ hãi. Pháp Vương đã dạy chúng con nên sống vô úy nhưng theo chỗ hiểu nông cạn của con về cuộc đời Milarepa thì sự sợ hãi về những khổ đau trong địa ngục đã trợ giúp Ngài trên con đường tâm linh. Xin Pháp Vương khai thị cho chúng con: Nếu còn sợ hãi thì chúng con có thể chuyển hóa và áp dụng nó như thế nào?

Đ: Trong trường hợp của Milarepa, tôi không biết thông điệp bí mật của Ngài là gì nhưng theo hình thức bề ngoài thì Ngài sợ địa ngục và đau khổ, đó chính là sự sợ hãi. Sự sợ hãi đó đã được tận dụng để chuyển hóa, nên Ngài đã trở thành bậc vô úy. Đây là điều mà chúng ta hằng mong muốn. Nếu chúng ta sợ hãi một điều gì thì sự sợ hãi cần được giảm thiểu tối đa; nó là một sự trải nghiệm vĩ đại và là nguyên nhân mang lại giải thoát. Khi biết mình đang có sự sợ hãi thì bạn phải coi trọng, tận dụng cơ hội này như một phần trong đời sống hơn là bỏ mặc hay phát triển và biến nó thành thù hận. Tất nhiên sân giận là hình thức của sự sợ hãi, nó sẽ biến thành thù hận và điều đó chẳng bao giờ đem lại một điều tốt đẹp nào. Bởi vậy khi sự sợ hãi xuất hiện thì bạn nên coi nó là một bài học, hãy tận dụng cơ hội chuyển hóa này trong đời sống. Có rất nhiều mức độ để chuyển hóa sự sợ hãi. Tôi không biết cấp độ chuyển hóa của Milarepa như thế nào nhưng ở cấp độ thấp nhất của chúng ta và cũng là cấp độ của tôi, chúng ta phải tìm ra sự sợ hãi bắt nguồn từ đâu. Chúng ta phải tìm ra nghiệp là gì? Nếu như bạn muốn sử dụng từ này – Đạo Hindu, Đạo Phật và nhiều tôn giáo khác sử dụng từ Nghiệp. Nhưng dù gì đi nữa điều trọng yếu là phải biết được sợ hãi đang bắt nguồn từ đâu? Hãy quán chiếu tường tận nguồn gốc sự sợ hãi, khi đó bạn sẽ tìm ra giải pháp để loại trừ hay sử dụng nó. Có rất nhiều cấp độ nhưng bạn phải cố gắng tận dụng hơn là sợ hãi chính sự sợ hãi và tránh né nó. Ở mức độ chúng ta, bạn không nên lẩn tránh mà hãy sống thân thiện, hãy tận dụng và chuyển hóa nó. Việc cố gắng lẩn tránh thực tại không phải là phương thức đúng đắn. Đó là lý do tại sao tôi nói hãy đừng cố lẩn tránh mà hãy sống tỉnh thức với thực tại, khi đó chúng ta sẽ có được giải pháp ở cấp độ nhận thức này.

H: Kính bạch Pháp Vương! Từ góc độ này, xin Pháp Vương chỉ dạy chúng con việc tu tập Bát Nhã?

Đ: Bát Nhã rất khó để đàm luận. Để đàm luận về vấn đề này, tôi lấy ví dụ về hạnh Bố thí Ba La Mật là một phương tiện để chia sẻ lòng từ bi. Điều này không có nghĩa là bạn phải chia sẻ hoa, nước và thức ăn đồ uống v.v... Trước khi bố thí những thứ vật chất bạn phải có chính kiến về chia sẻ lòng từ bi. Lòng từ bi trước hết phải được tìm thấy chính trong tâm bạn, đó là lòng bi mẫn. Lòng từ bi trong tâm khi trưởng dưỡng thì tự nhiên bạn sẽ chia sẻ nó tới mọi người, khi đó lòng từ bi được thể hiện qua hành động bố thí một cách vô điều kiện như bố thí tiền, quần áo, những vật dụng thiết yếu hay bất kỳ điều gì cần thiết. Đây là công hạnh bố thí bắt nguồn từ tâm vô úy. Nếu bạn còn sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ bố thí bất kỳ thứ gì, hay nếu có bố thí thì sẽ đi kèm với điều kiện. Như vậy người nhận và bản thân bạn đều sẽ gặp rắc rối bởi vì bạn không vui, không dứt khoát là có nên bố thí hay không, và nó trở nên một nỗi day dứt. Tốt hơn là bạn đừng bố thí nếu tâm bạn còn sẻn tiếc vì đó là phiền não. Nhưng đồng thời bố thí với một chút nỗ lực, cố gắng thì cũng có thể là một điều tốt. Nếu không cố gắng thì sẽ chẳng thành tựu được gì cả! Nhưng thực tế thì bạn không nên cảm thấy day dứt khi bố thí. Bạn nên hoan hỷ khi thực hiện công hạnh này. Bằng cách nào bạn có thể tạo ra sự hoan hỷ? Trước hết bạn phải biết cách để yêu thương. Đó là ví dụ bố thí Ba La Mật. Sau đó tới trì giới và tất cả hạnh khác, bạn cũng có thể hiểu và thực hành như trên.

H: Con làm thế nào để có thể tìm ra một Căn bản Thượng sư và một chân Đạo sư? Dường như rất khó khi con đang sống ở một nước Châu Âu, ở đó chẳng có một bậc Đạo sư nào cả?

Đ: Ở Úc khi tôi đàm luận về Thượng sư thì có một khẩu hiệu lớn về Kangaroo (Kanguru)! Tôi đã nhìn thấy khẩu hiệu đó …

Thật khó để tìm được một Đạo sư hay Thượng sư chân chính. Đây là điều rất khó nhưng lại vô cùng cấp thiết. Khi bạn xem ti vi, phim ảnh hay đọc báo thì dường như hàng ngày, hàng tuần thế giới này đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Mọi người cũng có cảm xúc tiêu cực về thế giới, về những người khác và tất cả mọi việc. Nhưng cảm nhận này không thực sự đúng đắn bởi vì thực chất mọi người không phải xấu xa như bạn nghĩ. Tôi không cho rằng họ là xấu xa hay tàn nhẫn vì trong phạm vi hiểu biết của họ thì họ là những con người rất toàn mỹ. Có rất nhiều thứ rất đẹp đẽ mà họ có thể dâng tặng, họ có một thực tại toàn mỹ nhưng chính bản thân họ không có sự lựa chọn nào khác bởi vì họ ngộ nhận, hiểu biết sai lầm, họ sống dựa vào kiến giải sai lầm đó. Bởi vậy nếu có khẩu hiệu sai lầm Guru (Đạo sư) – Kanguru! Họ cứ cho rằng việc tìm cầu Kanguru cũng là thiết yếu. Nhưng tôi không thể chỉ giảng cho bạn bằng cách nào để tìm được một Đạo sư bởi vì bàn luận về điều này rất dài và rất sâu sắc. Tôi cho rằng trong trường hợp của mình, bạn nên đi và tìm kiếm! Đó là cách thức bạn tìm cầu Đạo sư, bạn hãy đi và tìm kiếm, khi đó bạn sẽ tìm được Đạo sư. Trong số họ có bậc là chân chính, cũng có thể là không nhưng thông qua trực giác hay mối liên hệ nhân duyên đời trước, bạn sẽ tìm thấy chân Đạo sư.

Tất cả mọi người là hoàn mỹ nhưng vẻ đẹp đó chưa được hiển lộ. Thay vì những vẻ đẹp như vậy thì những thứ xấu xa lại xuất hiện, khi đó tất cả mọi người đều dường như xấu xa và độc ác. Nhưng thực sự thì không phải như vậy. Tất cả mọi người về bản chất đều rất tốt, rất đẹp đẽ. Nhưng chúng ta hầu như không thể thấy được điều đó bởi sự vô minh của chúng ta và cũng bởi sự vô minh của họ đã dẫn dắt họ đến những nghiệp bất thiện. Những con người tội nghiệp đó, họ không biết họ đang làm gì và họ phải làm gì. Bởi vậy sự hướng đạo là vô cùng quan trọng.

H: Có phải nỗi sợ hãi sinh ra cùng chúng con hay không?

Đ: Sự sợ hãi? Nói về tiềm năng thì tôi cũng nghĩ là như vậy, đây hoàn toàn là một quan niệm đạo Phật, tôi không rõ những quan niệm của đạo khác như thế nào nhưng tôi tin rằng sự sợ hãi sinh ra cùng chúng ta bởi vì chúng ta tin vào đời quá khứ và đời tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta đồng ý với điều trên nhưng có thể một vài tôn giáo khác thì không, bởi vì một đứa trẻ khi sinh ra, dường như đứa trẻ đó là vô úy. Ý tôi là đứa bé ngay lúc mới chào đời. Tôi không chắc chắn là như thế, thực sự thì chúng khóc rất nhiều!

H: Bằng cách nào chúng con có thể tận dụng chuyển hóa nỗi sợ hãi?

Đ: Bạn hãy tận dụng chuyển hoá sự sợ hãi như một bài học. Nếu bạn còn chấp nặng bản ngã thì chẳng có cơ hội nào để coi sự sợ hãi là một bài học hay là tiền đề của giải pháp, bởi vậy bạn phải nỗ lực để biết rằng sợ hãi chính là sự phóng chiếu bản ngã của bạn. Đó là một bài học, nhưng có bao nhiêu lần bạn sẽ có được bài học đó; bạn có thể có được bài học nhiều lần nhưng nó sẽ không hữu ích nếu bạn không đạt được bất kỳ điều gì từ những bài học đó. Lấy ví dụ, bạn bị va đầu vào cửa vài lần, khi đó bạn bị đau và đó là một bài học giúp bạn biết được nguyên nhân của cái đau. Nếu bạn biết được nguyên nhân thì bạn sẽ tìm ra được giải pháp để loại bỏ nó. Tương tự như vậy, nếu bạn cảm thấy gặp những rắc rối về thể chất cũng như tinh thần thì bạn nên biết nó thực sự đến bằng cách nào, đâu là nguyên nhân của những rắc rối này. Khi đó bạn sẽ có giải pháp để loại bỏ nó, hơn là đổ lỗi cho cái cửa. Còn nếu bạn đổ lỗi cho cái cửa thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn hãy tìm lỗi nơi chính mình, cánh cửa này hơi quá to, chắn ngang đường cho nên bạn phải làm một điều gì đó để giải quyết nó. Giải pháp được đưa ra nhờ vào sự đau đớn, sự sợ hãi hay sự không thoải mái mà bạn đã trải nghiệm. Có lẽ tôi đang nói quá nhiều về điều này chăng?

H: Con nghĩ rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn chân thật là giải pháp cho mọi điều?

Đ: Không. Đó là cách của tôn giáo khi nhìn nhận vấn đề này. Bằng cách cho rằng tình thương là giải pháp duy nhất. Đương nhiên tình thương là một giải pháp nhưng bạn không thể chỉ nói rằng tình thương là giải pháp sẽ giải quyết tất cả mọi việc. Tình thương vốn có khả năng như thế nhưng chúng ta vẫn chưa trưởng dưỡng, đạt được mức độ đó. Bởi vậy chẳng có ý nghĩa gì khi đàm luận về điều này. Nếu không thì bạn cũng có thể nói tình thương là tất cả… thế là hoàn toàn đầy đủ rồi. Nhưng chúng ta vẫn chưa có được nó, bởi vậy chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn.

Nguồn: Fearlessness In Troubled Time (Part II), The Dragon Special Issue, November 2007
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,881
Số người trực tuyến: