Năng lực gia trì bạn có được qua Pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Năng lực gia trì bạn có được qua Pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

7013
21/08/2022 - 17:00
Nhìn chung pháp thực hành Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara rất cần thiết – mỗi Đức Phật đều có những bản thệ riêng, thí dụ như Đức Phật Dược Sư – khi còn là Bồ Tát, Ngài nhìn thấy vô số người phải gánh chịu khổ đau vì bệnh tật, nên Ngài phát nguyện năng lực chữa lành cho chúng sinh, song lẽ tất nhiên mong nguyện chính của Ngài vẫn là hết thảy chúng sinh được giác ngộ. Song thệ nguyện chính là động cơ của mọi công hạnh, cũng như vậy Đức Tara cũng phát nguyện cứu nạn mọi chúng sinh đang phải đương đầu với hiểm nguy hoặc đau khổ vì không được viên mãn sở nguyện.
 

(Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara)

Theo quan kiến Phật giáo, mọi việc chúng ta làm đều tích lũy nghiệp. Ngài Kyabje Dudjom Rinpoche từng dạy rằng thay vì phải đổ ra một núi công sức, thà rằng chỉ tích lũy công đức từng chút một để có thể viên mãn tâm nguyện của chúng ta, bởi lẽ công đức cũng giống như một hạt giống… và những nỗ lực của chúng ta đổ vào đó, dù là trí tuệ, học hành, lên kế hoạch cũng giống như chúng ta tưới nước, xới đất. Cho dù chúng ta có xới đất kỹ bao nhiêu, tưới nước nhiều đến đâu, nếu chưa từng có hạt giống được gieo xuống thì cây sẽ không bao giờ mọc lên hay trổ quả.
Tùy theo năng lực nghiệp, nếu năng lực nghiệp vô cùng mạnh mẽ, rất nhiều thiện nghiệp được tích lũy, thì mọi tâm nguyện đều được viên mãn nhanh chóng. Có khi bạn chỉ cần đi ngủ một giấc và sáng hôm sau dậy đã trúng số độc đắc. Hoặc bạn sinh ra với nhân thân tốt đẹp. Đó là khi nghiệp lực rất mạnh mẽ. Nếu nghiệp lực trung bình, chúng ta sẽ cần phải nỗ lực hơn để có được kết quả tốt. Nếu bạn chưa từng gieo nhân lành, thì cho dù bạn có nỗ lực đến đâu, bạn vẫn sẽ không gặt hái được kết quả gì. Có khi cùng một pháp thực hành đó, trước đây một năm hay mười năm đã từng cho kết quả, nhưng giờ không còn hiệu lực nữa. Hoặc có pháp thực hành rất có kết quả với mọi người nhưng lại chẳng mang gì đến cho bạn. Chính vì vậy nên để có thể viên mãn được tâm nguyện, ngoài những nhân duyên bên ngoài cần hội tủ đầy đủ, thì bên trong, bạn cũng rất cần tích lũy công đức và tịnh hóa nghiệp chướng.
 


 
Trước khi được phép truyền quán đỉnh, lẽ tất nhiên bậc Thượng Sư đã phải trực tiếp đón nhận quán đỉnh đó từ một bậc Thầy chân chính, và truyền thừa của Ngài phải liên tục không gián đoạn, ngay cả sự kết nối giữa bậc Thượng Sư với bậc Thầy của Ngài cũng phải hoàn toàn thanh tịnh. Khi đó ân phúc gia trì không chỉ đến riêng từ Đức Tara hay từ bậc Thầy, mà từ hết thảy chư Thượng Sư của truyền thừa, từ tất cả những bậc Thượng Sư đã từng thực hành Tara. Nếu có một trăm bậc Thầy từng thực hành Tara thì chúng ta sẽ được đón nhận ân phúc gia trì từ cả một trăm bậc Thầy đó. Bởi vậy nên khi giới nguyện Samaya bị bể, cũng giống như dòng ân phúc gia trì bị chặn lại. Đối với bậc Thầy đôi khi bạn cũng cần kiểm chứng, bạn nên biết có nhiều cách để kiểm chứng về bậc Thầy, song cách tốt nhất và cũng là điều cần thiết nhất là sự kết nối giữa Ngài với bậc Thượng Sư của Ngài – giới nguyện Samaya giữa các Ngài phải hoàn toàn thanh tịnh.
 

 
Thêm vào đó trước khi truyền quán đỉnh, chúng ta cần triệu thỉnh toàn bộ Mandala của Đức Tara tới nơi này. Bạn hãy nghĩ đến như trong đời sống thường ngày, trước tiên chúng ta phải thỉnh các vị khách quý tới nhà, rồi tiếp đó mới có thể mời trà và hỏi thăm sức khỏe. Tán thán Đức Tara không có nghĩa rằng Tara là một người có bản ngã để chúng ta khen ngợi, mà bằng việc tán thán một bậc giác ngộ, chúng ta có thể tích lũy vô lượng công đức, đồng thời chúng ta cũng quen dần với việc tán thán hay ngợi khen người khác. Trong cuộc sống thường ngày, đã biết bao lần chúng ta phê phán, chỉ trích mọi người ? Hẳn đã vô số lần. Bạn khen một cô gái đẹp nhưng mũi lại hơi to, gia đình này rất tốt nhưng cô con gái lại không ngoan lắm. Do bản ngã sai xử, chúng ta không thể chịu được khi thấy người khác hơn mình, chúng ta luôn muốn dìm họ xuống hoặc ít nhất thì họ cũng chỉ được phép bằng chúng ta, nếu không chúng ta cảm thấy vô cùng ghen tỵ. Liệu có mấy lần chúng ta thốt lên những lời khen chân thật từ trong tim ? Chúng ta không thể thốt lên những lời khen thuần túy, bởi lẽ tâm ghen tỵ của chúng ta quá lớn. Vì vậy khi chúng ta tán thán Đức Tara, một mặt chúng ta được tích lũy công đức, mặt khác chúng ta cũng đào luyện tâm mình quen với việc ngợi khen mọi người, để tâm ghen tỵ dần được tiêu trừ.
 
 
 
Như vậy sau khi đã triệu thỉnh toàn bộ Mandala của Đức Tara tới nơi này, chúng ta có thể bắt đầu phần quán đỉnh. Thân khẩu ý được đón nhận gia trì, chúng ta được phép thực hành trì tụng, quán tưởng Tara, sau đó quán hòa tan toàn bộ Mandala. Đây là cách thực hiện nghi thức quán đỉnh, và chúng ta cần phải thực hành nghi quỹ Tara.
Phần thứ ba chúng ta sẽ tập trung quán tưởng chữa lành bệnh cho người bị ốm. Những người đang gặp thân bệnh được quán tưởng ngồi bên dưới bàn tay phải trong thế ấn úp lòng bàn tay hướng xuống người ốm, từ toàn thân Đức Tara lưu xuất cam lồ chảy xuống như mưa tuôn, thấm vào thân chúng sinh những giọt cam lồ trắng sáng. Khi cam lồ vừa tan trong thân liền tức khắc tịnh hóa mọi bất thiện nghiệp tích lũy từ vô thủy kiếp. Bất thiện nghiệp chính là nguyên nhân bên trong gây ra bệnh, cùng với sự mất cân bằng là nguyên nhân bên ngoài. Khi chúng ta quán tưởng bản thân mình cũng như người ốm, tất cả đều tươi tắn, rạng ngời, khỏe mạnh hơn, tràn đầy năng lượng và trẻ trung hơn. Chúng ta quán tưởng như vậy và trì tụng phần tán thán Hai mốt Lục Độ Phật Mẫu.Tiếp theo sẽ là phần cầu nguyện hồi hướng công đức và đón nhận ân phúc gia trì. Quán tưởng cúng dường toàn bộ vũ trụ lên Đức Tara và bậc Thượng Sư bất khả phân với Đức Tara, để có thể đón nhận được trọn vẹn công đức và sự gia trì từ Đức Tara. Truyền thừa Tara khởi nguồn từ chính Đức Phật Thích Ca. Từ Phật mẫu Tara truyền xuống Đức Ngagi Wangchuk và Thượng Sư Atisha là người đã đem giáo pháp này hoằng truyền tới vùng Himalaya.

 

(Pháp hội tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)
 
Trước khi đón nhận quán đỉnh, phần Quy y và Phát Bồ đề tâm vô cùng quan trọng. Để có được cảm nhận chân thật về Quy y, điều quan trọng nhất bạn cần có là tâm xả ly luân hồi. Hiện giờ chúng ta thường cầu mong hạnh phúc, sức khỏe, thành đạt, những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, tất cả những điều này đều không sai trái nhưng sâu thẳm trong tâm bạn cần hiểu mục tiêu rốt ráo cần là "Nguyện cho con cùng hết thảy hữu tình được giải thoát khỏi luân hồi". Bạn cần có sự hiểu biết này. Bởi chừng nào chúng ta chưa thực sự giác ngộ thì chúng ta vẫn luôn gặp phải những chướng ngại, những vấn đề phải giải quyết. Nói một cách đơn giản, luân hồi chính là cuộc sống của chúng ta, một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại. Cho dù chúng ta có giải quyết được một vấn đề thì sẽ có vấn đề khác nảy sinh. Cho dù chúng ta có đón nhận bao nhiêu ân phúc gia trì, nhưng chừng nào chưa đạt được tâm nguyện tuyệt đối là giác ngộ thì chúng ta vẫn xoay vòng trong luân hồi. Chính vì thế nên chúng ta cần hiểu rõ mục đích rốt ráo. Khi chúng ta thực hành Pháp tu Lục Độ Phật Mẫu Tara, có thể tạm thời chúng ta cầu mong được viên mãn những tâm nguyện thế gian, giải thoát khỏi đau khổ hiện tại, nhưng mục tiêu rốt ráo của chúng ta phải là chứng ngộ tự tính tâm chân thật để thành tựu giác ngộ - để có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn thế gian. Ước nguyện đó được gọi là tâm xả ly.


(Pháp hội tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)
Giờ chúng ta sẽ phát tâm Quy y. Quán tưởng Đức Tara và Thượng Sư bất khả phân với Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara, chúng ta cầu nguyện bài kệ Quy y Phật, Pháp, Tăng ba lần. Đến lần thứ ba bạn phải cảm thấy được rằng giờ đây mình đã đón nhận giới nguyện – giới Quy y và Bồ Tát giới – nếu bạn đã thụ giới Quy Y và Bồ Tát giới thì ở phần này giới nguyện của bạn sẽ được củng cố vững bền hơn, vì chúng ta cần luôn phát tâm Quy y ở mọi nơi, mọi lúc. Bạn nên trì tụng phần này chín lần mỗi ngày, sáng ba lần, trưa ba lần và chiều tối ba lần. Pháp danh được đặt khi bạn Quy y cũng là một món quà gia trì, là sợi dây kết nối giữa bạn với bậc Thượng Sư, giữa truyền thừa và đệ tử. Trong Truyền thừa Drukpa, mọi đệ tử Quy y đều được ban Pháp danh bắt đầu bằng Jigme, vì Pháp danh của Đức Pháp Vương, tức bậc Căn Bản Thượng Sư của chúng ta, là Jigme Pema Wangchen. Được lấy Pháp danh theo bậc Thượng Sư chính là nguồn ân phúc gia trì, và tương truyền chính nhờ Pháp danh này mà Thượng Sư sẽ có thể nhận ra bạn trong các đời sau khi hữu duyên hạnh ngộ.
(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về Pháp tu Lục Độ Mẫu Tara, tháng 1 năm 2013 tại Hong Kong)
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,187
Số người trực tuyến: