Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 3) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 3)

250
10/10/2022 - 17:17

Tôi nói “rất tiếc” vì chúng ta luôn muốn được tự do. Chẳng hạn, chính tôi cũng muốn được thoát khỏi mọi ràng buộc. Tôi không muốn tuân theo kỷ luật. Tôi không muốn phải trì giữ nhiều giới nguyện và muốn được làm bất cứ gì mình thích làm. Nhưng tôi không thể làm như vậy vì khi đó tôi bị chi phối hoàn toàn bởi những xúc tình và phiền não… Vì thế chúng ta cần tạm thời tuân theo một đường lối cụ thể.

Những giới luật khác nhau của Phật tử giúp trưởng dưỡng trí tuệ và lòng bi mẫn

Tôi xin dẫn pháp dụ với hình ảnh con thuyền. Để có thể qua sông, nhất thiết cần có thuyền hoặc tàu. Song khi qua sông rồi thì thuyền không còn quan trọng nữa; bạn cũng không còn cần tới thuyền. Bạn có thể đi bộ hoặc dùng xe. Tương tự như vậy, bạn cần hiểu rằng những giới luật phức tạp như “không sát sinh”, “không uống rượu”, “không hút thuốc”, “không làm hại người khác”, “không nói xấu”, “không tham lam”, “hãy từ bi”… cần được thực hành để trưởng dưỡng trí tuệ và lòng bi mẫn. Hai đức hạnh này giống như đôi cánh của loài chim. Nếu muốn bay, chim cần có đủ đôi cánh. Chúng ta chưa từng thấy con chim nào có thể bay chỉ với một cánh. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn là không thể. Tương tự, hành giả phải thực hành cả hai hạnh - trí tuệ và từ bi cùng một lúc. 

Phật và đạo Phật cần được khám phá bên trong tâm của chính chúng ta

Để kết lại, tôi muốn nói rằng Phật cần được tìm thấy trong tâm và đạo Phật cũng cần được tìm thấy trong tâm ta. Hành động cũng cần được tìm thấy ở trong tâm. Nền tảng của hành động – thiện hạnh – cần được tìm thấy trong tâm. Tất cả những điều này áp dụng cho tâm. Vì thế, tôi chỉ khuyến cáo các bạn trước hết hãy quán chiếu tự tâm xem mình đang thực hành pháp gì; mình đang suy nghĩ gì; mỗi ngày trong tâm mình đang tinh tấn như thế nào. Đây là sự quán chiếu mà bạn nhất thiết cần làm. Điều này rất quan trọng để tạo nên nền tảng của đạo Phật, quan trọng hơn cả việc bạn đã trì tụng được bao nhiêu chân ngôn hay ngồi kiết già được bao nhiêu giờ.

Chẳng hạn như, tôi có thể tọa thiền trong nhiều tháng – bốn hoặc năm tháng – mà không cần duỗi chân, nếu không kể khi cần vệ sinh. Tôi có thể ngồi như vậy vài năm, chẳng có vấn đề gì cả. Lẽ dĩ nhiên, không chỉ tôi mà bất kỳ ai đã tập luyện đều có thể làm như vậy, song đó không có nghĩa là bạn đang thực hành Phật Pháp. Thế ngồi đó không phải đạo Phật.

Thực hành Phật Pháp có nghĩa sự tinh tấn của tâm bạn – bạn đã đạt được gì để trưởng dưỡng tâm từ bi, và hiểu biết của bạn về trí tuệ đã gia tăng như thế nào. Đó mới là những câu hỏi chính để đạt được nền tảng căn bản. Bạn có thể ngồi kiết già bao nhiêu giờ hay đã trì được bao nhiêu biến chân ngôn không phải câu hỏi chính.

Trí tuệ là con đường và tâm từ bi là bánh xe hay cỗ xe. Hai đức tính này cần được trưởng dưỡng cùng nhau. Bạn cần phải có tâm từ bi và đồng thời cũng cần có trí tuệ, để đại trí tuệ có thể hướng cỗ xe chạy trên con đường. Đại Từ, Đại Bi và Đại Trí Tuệ - tôi cho rằng những điều này là một yếu tố rất quan trọng cho một người để thực tập xây dựng nền tảng của đạo Phật.

(Trích ấn phẩm: “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”

Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Tham khảo thêm

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 1)

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 2)

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,042,884
Số người trực tuyến: