Ứng dụng hiểu biết về Nhị đế trong cuộc sống để vượt qua chướng ngại | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ứng dụng hiểu biết về Nhị đế trong cuộc sống để vượt qua chướng ngại

202
07/09/2022 - 18:52

Chúng ta đang sống ở cấp độ tương đối nhưng lại rất vô minh, vì thế chúng ta không hiểu được chuyện gì đang thực sự diễn ra ở cấp độ tương đối. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng rằng chân lý tương đối mà chúng ta cần hiểu cũng là một chân lý. Ở cấp độ tương đối thì vạn pháp đều có thực, đều vận động và tạo ra kết quả. Thế nhưng mọi việc chỉ rất tương đối, vì bản chất của vạn pháp là Không – chân lý tuyệt đối.


Chư ni Tự viện Druk Amitabha Mountain với thiện hạnh cứu trợ động vật 

Khi chúng ta hiểu được những khía cạnh của chân lý tương đối trong cuộc sống thì tự tâm chúng ta sẽ phát khởi tình thương yêu, lòng từ bi, sự hiểu biết, và nó trở thành động cơ giúp chúng ta dám thực hành tất cả các thiện hạnh để lợi ích cho hết thảy hữu tình. Như thực tế bây giờ, đối với loài người chúng ta, lòng từ bi, tình thương yêu thường rất nghèo nàn, hạn cuộc chỉ vì chúng ta không hiểu được chân lý tương đối. Ví dụ chúng ta chỉ đưa cái tôi lên và nghĩ rằng cuộc sống của tôi còn đầy rẫy những đau khổ, làm sao tôi có thể giúp được người khác. Nếu dùng chân lý tương đối để quán chiếu, chúng ta sẽ thấy khổ đau của mình so với người khác, so với những loài khác sẽ không là gì cả.

Lấy ví dụ về nỗi khổ của kiếp người, chúng ta thấy rằng kiếp người là khổ đau với sinh già bệnh chết, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tằng hội khổ, 5 ấm xí thịnh khổ. Nhưng nhìn xuống so với các loài động vật, chúng ta sẽ thấy mỗi buổi sáng mạng sống của chúng mong manh như thế nào, chúng bị chết một cách đau khổ như thế nào. So với nỗi khổ của loài động vật thì nỗi khổ của loài người không là gì cả, có thể nói rằng loài người không hề khổ đau. Đó là nói một cách tương đối.

Ứng dụng Trí tuệ về hai chân lý trong cuộc sống

Khi có trí tuệ hiểu biết về hai chân lý tương đối và tuyệt đối, cuộc sống của chúng ta sẽ dễ dàng hơn, chúng ta dễ dàng vượt qua những khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống khổ đau này nhiều hơn. Tôi lấy ví dụ, nếu đời sống của chúng ta gặp một vài khó khăn, chướng ngại, chúng ta hiểu đó chỉ là tạm thời, chỉ là tương đối và sẽ sinh diệt. Còn về mặt chân lý tuyệt đối, vốn không có khổ đau và không có những chướng ngại khó khăn. Khi chúng ta hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không bị cuốn trôi bởi những khó khăn chướng ngại, chúng ta không bị ngập chìm trong đau khổ mà có thể tự tại hơn, sống nhẹ nhàng, vui vẻ hơn giữa cuộc sống khổ đau này.  

Nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta ít ai có thể hiểu được cả hai chân lý, thường chúng ta chỉ bám chấp vào những gì của thế giới tương đối và chúng ta cho rằng thế giới tương đối này là chắc thật, tất cả những khổ đau, phiền não trong đời sống vốn là thật có. Và như thế, chúng ta tự nhấn chìm cuộc sống của mình trong khổ đau.

Nếu chúng ta có thể hiểu được bản chất khổ đau là tương đối, chúng ta sẽ thoát ra khỏi sự nhấn chìm của đau khổ. Tôi lấy ví dụ, khi ai hỏi thăm chúng ta: “Dạo này cuộc sống của anh ra sao, có bình an không?”. Nếu trả lời một cách khôn ngoan nhất, chúng ta sẽ nói: “Cũng tương đối ổn”. Nếu ai hỏi: “Có chướng ngại, khó khăn gì không?”, chúng ta trả lời: “Cũng có một vài những khó khăn chướng ngại, nhưng không đến nỗi nào, tôi cũng tạm ổn”. Đó là cách trả lời rất trí tuệ bởi vì chúng ta hiểu được bản chất của tất cả cuộc sống và của vạn sự vạn vật vốn là tạm thời, vốn là tương đối.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn chúng ta tự tìm thấy hạnh phúc chân thật ở ngay trong chính chúng ta. Ngài không hề dạy chúng ta hãy đến với Ngài, nương tựa Ngài, cầu xin Ngài, cúng dường Ngài để rồi Ngài ban cho chúng ta những phép màu, những thần lực để chúng ta giải quyết những khổ đau của mình. Ngài đã từng dạy: “Này các Tỳ Kheo, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài muốn mỗi chúng ta hãy thực sự dùng trí tuệ hiểu biết về chân lý tương đối, chân lý tuyệt đối để rồi tự ứng dụng vào trong đời sống, tự bước đi bằng chính khả năng của mình. Khi chúng ta có trí tuệ hiểu biết để có thể hiểu được bản chất của chân lý tương đối, chân lý tuyệt đối và biết ứng dụng vào trong đời sống, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là Thiền Đại Thủ Ấn Mahamudra, đó chính là kết quả.

Như vậy thì cách tự mình làm cho mình hạnh phúc là phương pháp tốt nhất để chúng ta chuyển hoá khổ đau trong cuộc sống. Đương nhiên có rất nhiều phương pháp như tụng kinh, trì chú, niệm Phật, thực hành Yoga, hoặc leo núi, phương pháp nào cũng tốt, mang lại lợi ích ở khía cạnh nào đó. Nhưng có lẽ cách tốt nhất là chúng ta cần hiểu rõ bản chất của chân lý tương đối, chân lý tuyệt đối bởi đó là nguồn hạnh phúc chân thật nhất mà Đức Phật Thích Ca đã từ bi chỉ dạy cho chúng ta. 

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Singapore, 2015)

 
Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,039,467
Số người trực tuyến: