Hiểu biết về sự thật tương đối | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hiểu biết về sự thật tương đối

625
30/11/2021 - 18:57
Các bậc Thầy thường nói rằng tất cả mọi lỗi lầm, những khái niệm sai lệch, khổ đau và stress đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về sự thật tương đối. Do đây là nguyên nhân duy nhất dẫn đến mọi rắc rối, nên  việc hiểu được điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
(Chia sẻ dưới đây được trích dẫn từ Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc lãnh đạo tâm linh Truyền thừa Drukpa)

Tất cả các hiện tượng và toàn bộ vũ trụ đều là tương đối hoặc được bao hàm trong sự thật tương đối. Lý do mà chúng ta gọi những sự vật và hiện tượng này là sự thật tương đối vì mọi thứ đều chỉ là tương đối. Sự “tương đối” này chúng ta không hiểu, không biết hoặc không chịu chấp nhận. Chúng ta luôn nghĩ rằng mọi thứ quanh mình, nhất là những thứ dễ chịu, hợp ngã, đều tồn tại một cách chắc thật và tuyệt đối. Tham ái nói với ta rằng những thứ đem lại sự dễ chịu (hoặc chính cảm giác thoải mái dễ chịu đó) là thật có. Chúng ta thực sự mong chờ những thứ ấy! Đây là nguyên nhân dẫn đến rắc rối và stress của mỗi người.
 
 
Cụm từ “sự thật tương đối” có một “sự thật” ở đó, nhưng sự thật đó không phải tuyệt đối mà chỉ là “tương đối”. Đây là điều bạn cần phải biết.
Sự thật tương đối vốn rất đơn giản và dễ chiêm nghiệm. Chẳng hạn, trong một ngày, chúng ta sống từ sáng tới tối, và từ tối tới sáng. Đấy là sự tương đối. Cả buổi sáng và buổi tối đều chỉ là tương đối vì buổi sáng chuyển thành buổi tối và buổi tối lại chuyển thành buổi sáng vào ngày hôm sau. Nếu không phải tương đối thì buổi sáng sẽ không chuyển thành buổi tối! Khoảng cách cũng là một ví dụ rất dễ hiểu về sự thật tương đối. Giả sử khoảng cách giữa bạn và tôi là năm mét. Khoảng cách này dài hay ngắn? Nó khá dài nếu đem so sánh với khoảng cách giữa chiếc micro và tôi hiện giờ. Tôi có thể với tới cái micro nhưng không thể với tới bạn được. Như vậy, khoảng cách giữa tôi và bạn là tương đối dài. Tuy nhiên, nó không được coi là dài nếu đem so sánh với khoảng cách giữa Roma và Paris. Khoảng cách
năm mét giữa tôi và bạn không còn ý nghĩa gì khi so sánh với khoảng cách giữa tôi và Paris. Vì vậy, khoảng cách dài hay ngắn giữa tôi và bạn chỉ là sự thật tương đối và được đặt trong hoàn cảnh mà chúng ta đang có mặt vào lúc này. Trong tình huống cụ thể đó, khoảng cách giữa bạn và tôi là khá xa. Nhưng khi đem so sánh với khoảng cách giữa tôi và thành phố Paris thì khoảng cách giữa chúng ta chẳng còn gì đáng kể.
 
 
Như vậy, xét một cách tương đối, mọi thứ đều có thể đổi thay và không thật tồn tại như vẻ ngoài của chúng. Sự hiểu biết sai lệch nằm trong quan niệm cho rằng chúng ta đang cách xa nhau khi đem so sánh khoảng cách giữa tôi và chiếc micro. Một khi ý nghĩ này được khắc sâu vào trong trí. Chúng ta sẽ nghĩ rằng thực sự có một khoảng cách xa vời giữa tôi và bạn. Thế rồi, chúng ta không thể hiểu được nếu khoảng cách này bỗng nhiên ngắn lại và đó là nguyên nhân chúng ta bị stress. Chúng ta không chấp nhận và không hiểu được vì sao khoảng cách vốn đang khá xa này bỗng chốc trở nên ngắn lại. Sự thiếu hiểu biết về sự thật tương đối chính là vô minh. Bạn có thể gọi nó là “bám chấp” hoặc “vô minh”, thực ra chúng đều có nghĩa như nhau nhưng tên gọi khác nhau mà thôi.
 
 
Hiểu biết về sự thật tương đối sẽ giúp bạn nhận ra mình không cần căng thẳng lo âu. Nếu như có thứ gì là sự thật tuyệt đối hay sự thường trụ tuyệt đối trên thế giới này thì có lẽ điều đó sẽ rất nguy hiểm! Có thể bạn cảm thấy những gì bạn đang trải nghiệm là tuyệt đối, nhưng bạn nên cảnh giác với khuynh hướng đi  đến một kết luận như vậy. Thực ra, chẳng có gì tuyệt đối ở đây cả, chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối, trong đó mọi sự vật hiện tượng đều là tương đối. Vạn pháp trên thế gian này đều là vô thường bởi vì mọi sự đều đến rồi đi như những con sóng ngoài biển khơi. Sự vô thường ấy cũng là rất “không may mắn” bởi vì đó chính là hiện tướng của khổ đau. Bên cạnh những khổ đau do vô thường gây nên, còn có hình thức khổ đau do stress hay căng thẳng tâm lý.
 
Mặc dù căng thẳng tinh thần la một dạng khổ đau nhưng không phải khổ đau thực sự như những hiện hữu của sinh - già - bệnh - chết. Sự căng thẳng tinh thần thường là sản phẩm của những quan niệm hay niềm tin sai lệch. Chúng ta vẫn tự tạo ra nhiều căng thẳng do những quan niệm sai lầm về tính tuyệt đối và sự tồn tại độc lập của cái tôi “bản ngã” và vạn pháp bên ngoài.

(Trích từ ấn phẩm Đối trị căng thẳng và trầm cảm, Drukpa VIệt Nam biên tập và phát hành, tháng 3/2017)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,099
Số người trực tuyến: