Ý nghĩa hai chữ “Khách - Trần” - nhận vật làm mình, trôi lăn trong lục đạo | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa hai chữ “Khách - Trần” - nhận vật làm mình, trôi lăn trong lục đạo

1251
15/12/2020 - 19:31

 

 

Khi bấy giờ đức Thế tôn ruỗi tay Đâu la miên sáng ngời, mở năm ngón tay, bảo ông A nan và đại chúng rằng: “Lúc tôi mới thành đạo, ở trong Lộc viên, có dạy bọn ông A nhã đa, năm vị tỳ khưu và tứ chúng rằng” Tất cả chúng sinh không thành đạo Bồ đề và A la hán, là do những phiền não khách trần mê hoặc. Thuở đó, bọn ông do đâu mà khai ngộ, hiện nay thành được thánh quả?”

Khi ấy ông Kiều trần na đứng dậy bạch Phật: “Tôi nay già cả, ở trong đại chúng, riêng được cái danh là “Hiểu”, do tôi ngộ được hai chữ khách trần mà thành chính quả. Bạch Thế tôn, ví như người khách đi đường, vào trọ quán xá, hoặc ngủ hoặc ăn, ăn ngủ xong rồi, xếp đồ lên đường, không ở yên được; nếu thật là người chủ, tự nhiên không phải đi đâu. Tôi nghĩ như vầy: Không ở yên thì gọi là khách, còn ở yên thì gọi là chủ. Tôi lấy cái “không ở yên” làm ý nghĩa chữ khách. Lại như mới tạnh, mặt trời chiếu sáng trên cao, ánh sáng vào trong lỗ hở, bày tỏ hình dáng bụi trần giữa hư không. Trần thì lay động, hư không thì yên lặng. Tôi nghĩ như vậy: Đứng lặng gọi là không, lay động gọi là trần, tôi lấy cái “lay động” làm ý nghĩa chữ trần”.

 

 

Phật dạy: “Đúng thế”.

Khi bấy giờ đức Như lai ở trong đại chúng co năm ngón tay, co rồi lại mở, mở rồi lại co, bảo ông A nan rằng: “Nay ông thấy gì?”.

Ông A nan đáp: “Tôi thấy bàn tay Bách bảo luân của Như lai, ở trong chúng, lúc mở lúc nắm”.

Phật bảo ông A nan: “Ông thấy tay tôi ở trong chúng khi mở khi nắm, đó là tay tôi có mở có nắm hay là cái thấy của ông có mở có nắm?”.

Ông A nan bạch: “Bàn tay báu của Thế tôn ở trong chúng khi mở khi nắm; tôi thấy bàn tay Như lai tự mở tự nắm, chứ không phải tính thấy của tôi có mở có nắm”.

 

 

Phật bảo: “Cái gì động, cái gì tĩnh?”.

Ông A nan bạch: “Bàn tay Phật không ở yên, chứ tính thấy của tôi còn không có tĩnh, lấy gì gọi là không ở yên nữa”.

Phật dạy: “Đúng thế”,

Lúc ấy đức Như lai từ trong bàn tay, phát một đạo hào quang báu qua bên phải ông A nan, ông A nan liền quay đầu trông qua bên phải, Phật lại phát một đạo hào quang qua bên trái ông A nan, ông A nan lại cũng quay đầu trông qua bên trái. Phật bảo ông A nan: “Hôm nay đầu ông vì sao lại lay động?”

Ông A nan bạch: “Tôi thấy đức Như lai phát hào quang báu qua bên trái và qua bên phải của tôi nên tôi trông qua bên trái bên phải, đầu tự lay động.

- A nan, ông trông hào quang của Phật mà lay động cái đầu, quay qua bên phải bên trái, đó là cái đầu của ông động hay là cái thấy động?

- Thưa Thế tôn, đầu tôi tự động chứ tính thấy của tôi còn không ở đâu, lấy gì mà lay động”.

Phật dạy: “Đúng thế”.

 

 

Lúc bấy giờ đức Như lai bảo với vả đại chúng rằng: “Như các chúng sinh lấy cái lay động mà gọi là trần, lấy cái không ở yên mà gọi là khách, thì các ông hãy xem ông A nan, đầu tự lay động mà cái thấy không lay động, lại hãy xem bàn tay tôi tự mở tự nắm mà cái thấy không ruỗi không co. Làm sao các ông hiện nay lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, tự đầu đến cuối, niệm niệm sinh diệt, bỏ mất chân tính, làm việc trái ngược; tâm tính mất chỗ chân thật, nhận vật làm mình, xoay vần trong ấy, tự nhận lấy cái trôi lăn trong lục đạo”.

 

Trích “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” - Việt dịch: Cư sĩ Tâm Minh

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,469
Số người trực tuyến: