Sự khác nhau giữa tình yêu thương của chúng sinh và tình yêu thương của chư Phật | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sự khác nhau giữa tình yêu thương của chúng sinh và tình yêu thương của chư Phật

1869
22/12/2021 - 13:39

Từ góc độ cá nhân, mỗi chúng ta đều có thể hiểu và trải nghiệm được tình yêu thương hay lòng tốt thế gian. Đó là sự yêu thích, quan tâm hướng tới một người hay một đối tượng nhất định như gia đình, cha mẹ, con cái, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, tới những phạm vi rộng hơn như tình yêu đất nước, dân tộc, tình yêu thương loài vật, thiên nhiên… Tình yêu thương này có nhiều cấp độ và phẩm chất khác nhau, cơ bản có thể chia ra thành ba loại.

 
  • Thấp nhất là tình yêu thương vị kỷ,

  • Cao hơn chút nữa là tình yêu thương tích cực rộng mở,

  • Cuối cùng là tâm Từ bi hay tình yêu thương vô điều kiện.

 

 

Tình yêu thương vị kỷ và tâm Từ bi vô điều kiện

 

Thứ nhất, tình yêu thương vị kỷ hẹp hòi là tình yêu xuất phát từ bản ngã, lúc nào cũng nghĩ đến bản thân và mong giành những lợi ích cho riêng mình. Đây là cách chúng ta yêu một người song lại muốn biến người đó thành sở hữu, nô lệ của mình. Chúng ta kiểm soát đối tượng mình yêu, đặt điều kiện cho đối tượng đó phải tuân theo ý thích hay phục vụ lợi ích của mình. Ví dụ về tình yêu này có rất nhiều, chẳng hạn, tình yêu nam nữ khi một người muốn chiếm hữu người kia một cách tuyệt đối. Ham muốn chiếm hữu đó khiến phát sinh sự ghen tuông, kiểm soát đầy tiêu cực. Hay một người mẹ có thể hết mực yêu thương con nhưng luôn muốn con “là của mình”, vì vậy mà đứa con nhất nhất phải tuân theo những mong muốn và sự áp đặt của người mẹ. Tình yêu thương vị kỷ có nhiều cấp độ, và đôi khi cũng có thể có sự xen kẽ giữa tâm vị kỷ và vị tha. Tuy nhiên, chừng nào còn tình yêu thương vị kỷ, có điều kiện, thì tình yêu thương đó còn đem lại khổ đau và làm tổn hại người khác.

 

 

Thứ hai là tình yêu thương rộng mở và bớt vị kỷ, với tư tưởng tích cực, quan tâm trân trọng mọi thứ, chia sẻ hạnh phúc với mọi người. Ví dụ của tình yêu thương này là tình yêu đất nước quê hương, yêu đồng bào, đồng loại, mong muốn bảo vệ các loài động vật hay thực vật, giữ hòa bình hòa hợp cho mái nhà chung của nhân loại. Tình yêu đó tuy cao thượng, rộng mở hơn nhiều so với tình yêu vị kỷ nói trên nhưng vẫn còn đối tượng phân biệt và có điều kiện. Ví dụ như chúng ta yêu thương loài vật này mà lại không quan tâm, thậm chí căm ghét các loài vật khác. Một số người rất yêu quý các vật nuôi như chó, mèo, hay các động vật hoang dã cần bảo tồn, nhưng lại không quan tâm đến những gia súc, gia cầm đang ngày đêm chịu đau khổ vì bị sát hại, hoặc căm ghét những loài côn trùng như gián, kiến, chuột bọ…

 

Thứ ba là tình yêu thương vô điều kiện không cần đáp trả, đó chính là Tâm Đại bi hay tình yêu thương của chư Phật, Bồ tát. Tình yêu thương này hoàn toàn khác với hai tình yêu thương nói trên vì xuất phát từ tự tính tâm thanh tịnh và Bồ đề tâm, hoàn toàn không có điều kiện và sự phân biệt. Đây là tình yêu thương vô lượng vô biên, không thiên vị, bình đẳng, có năng lực diệu dụng không thể nghĩ bàn, có khả năng đem lại an vui giải thoát cho hết thảy chúng sinh.

 

Phật tử Drukpa Việt Nam với thiện hạnh phóng sinh

 

Đức Phật dạy rằng loài người, loài vật hay các loài hữu tình đều có tình yêu thương. Đây là tính căn bản của mọi hữu tình. Tình yêu thương hiện diện ở khắp nơi, thậm chí những người xấu xa hay những động vật hung ác nhất thế gian này cũng có sẵn tình thương tự nhiên. Nếu có thể chứng ngộ tự tính yêu thương này, chúng ta không chỉ hân hưởng một trạng thái kỳ diệu nhiệm mầu mà còn rộng mở trái tim và thân tâm mình cùng hòa nhập trái tim và thân của mọi chúng sinh với năng lượng hỷ lạc. Khía cạnh tích cực của những suy nghĩ thiện lành trở thành hạt giống cho hạnh phúc tương lai. Khi sân giận phiền não vắng bóng để nhường chỗ cho tình yêu thương, mọi việc làm của chúng ta đều trở thành các thiện hạnh.

 

 

Tuy nhiên, tình yêu thương đó còn đang tiềm ẩn, bị ngăn che, chưa hiển lộ, chỉ vì chưa hợp nhất được với trí tuệ. Thêm nữa, năng lượng của nó bị sử dụng sai trái dẫn đến muôn vàn khổ đau. Khi tu tập thành tựu Tâm từ bi, trở về “đồng thể Đại bi” thì giống như Đức Quan Âm, chúng ta có đủ mọi năng lực, diệu dụng, không còn sợ hãi khổ đau và có thể cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau sợ hãi.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,880
Số người trực tuyến: