Phật tử tại gia và khả năng tu tập giải thoát luân hồi, đạt giác ngộ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Phật tử tại gia và khả năng tu tập giải thoát luân hồi, đạt giác ngộ

4615
04/01/2023 - 06:08

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Pháp hội Pháp Vũ Rồng Thiêng 2017 - Tịnh thất Tây Thiên, Vĩnh Phúc) 

 

17492909_1448334815199209_5756433455630619946_o.jpg

 

Những người Phật tử tại gia cần có niềm tin rằng mình có thể thực hành Phật pháp, bản thân mình có thể rèn luyện hai phẩm hạnh Từ bi, Trí tuệ. Chúng ta tu tập, cầu nguyện, đọc tụng Kinh điển, Nghi quỹ, nhưng các tôn giáo khác họ cũng cầu nguyện, tụng kinh. Vì vậy nếu những việc này không chuyển đổi được tâm mình thì sẽ không có lợi ích gì cả. Các cư sĩ Phật tử, nếu chúng ta còn nhiều duyên nợ như vợ, chồng, con cái, công việc kinh doanh, ... nhưng chúng ta cũng nên có niềm tin rằng “mình hoàn toàn thực hành được Phật pháp”. Chúng ta cần quán chiếu đau khổ luân hồi mỗi ngày để có được trí tuệ, từ đó chúng ta sẽ sống cởi mở, chân thành, hoà hợp với người xung quanh. Bên cạnh đó cần nghiêm trì giới luật. Như thế chúng ta đã trở thành một vị Tăng, hội đủ hai phẩm hạnh là “thanh tịnh và hoà hợp”.

 

 

Nếu chúng ta thấy được khổ đau trong luân hồi là chúng ta đã có khía cạnh thứ nhất của Tăng già, nghĩa là có trí tuệ. Do thấy được bản chất của luân hồi là khổ đau, chúng ta sẽ thực hành xả ly, không còn bám chấp vào danh vọng, tiền tài, sắc đẹp… rồi chúng ta mong muốn thoát ra khỏi các vòng kìm kẹp đầy đau khổ này bằng cách nghiêm trì giới luật. Nhờ đó cắt đứt nhân luân hồi, đạt giải thoát. Mặc dù vẫn đang sống trong luân hồi nhưng chúng ta có thể tu tập để giải thoát khỏi luân hồi. Dù rằng đối với Phật tử, vẫn còn vợ chồng, con cái, sự nghiệp,… với nhiều thử thách gian nan nhưng việc thoát ly luân hồi không phải là không thể làm được. Chúng ta hoàn toàn làm được bằng cách phát triển hai phẩm hạnh là “thanh tịnh và hoà hợp”. Đối với các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni thì việc thoát ly luân hồi sẽ thuận duyên hơn, bởi các vị không vướng vào thế tục.

 

 

Sau khi đã hiểu rõ hai phẩm hạnh của Tăng già thì chúng ta cần biết phải thực hành, rèn luyện như thế nào để có được hai phẩm hạnh này. Đó chính là dựa vào Pháp bảo tôn quý của Đức Phật. Dù chúng ta là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hay Phật tử tại gia thì chúng ta đều có thể rèn luyện để có được hai phẩm hạnh này nhờ vào thực hành Pháp bảo. Pháp bảo hay giáo pháp là tinh tuý của việc Quy y Tam Bảo. Nếu chúng ta không có Pháp bảo thì dù trong đời, chúng ta có là một nhà từ thiện, một người tốt làm được rất nhiều việc lợi ích cho xã hội, cộng đồng thì cũng không thể giải thoát và đạt tới giác ngộ. Bởi vậy Pháp bảo còn được gọi là xương sống của Phật giáo. Một người nếu hỏng xương sống sẽ không thể ngồi, không thể đứng hay làm lợi ích gì được. Cũng như thế nếu chúng ta không thực hành Pháp bảo thì sẽ không thể giải thoát, đạt giác ngộ được.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,570
Số người trực tuyến: