Pháp tu Đức Phật A Di Đà - Hành trang cho chuyến đi của đời người | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Pháp tu Đức Phật A Di Đà - Hành trang cho chuyến đi của đời người

2163
02/01/2017 - 21:52

Lợi ích của việc tu tập hành trì Bản tôn Đức A Di Đà ?

Buổi chiều nay tôi dự kiến truyền Quán đỉnh về Đức Phật A Di Đà nên chúng ta sẽ dành chút thời gian để nói về lợi ích của việc tu tập hành trì Bản tôn Đức A Di Đà. Điều quan trọng nhất hay lợi ích nhất của việc thực hành pháp tu A Di Đà là để giải thoát khổ đau, đặc biệt là nỗi khổ trong tiến trình chết cũng như nỗi khổ của những cô hồn vất vưởng.

(Thangka Đức Phật A Di Đà)

Khi từ bỏ thế giới này, bạn sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp. Tất nhiên là chư Phật, chư Bồ tát, A la hán đều có năng lực giúp đỡ bạn. Nhưng quan trọng nhất, phù hợp nhất là sự trợ giúp của Đức Phật A Di Đà. Khi còn sống, chúng ta có thể làm được nhiều việc, như khi cảm thấy nóng chúng ta có thể dùng máy lạnh, khi cảm thấy lạnh chúng ta còn có thể dùng máy sưởi, khi đói chúng ta có thể ăn, khi cô đơn chúng ta tìm bè bạn... Nhưng khi chết, chúng ta sẽ không có bè bạn, không máy lạnh, máy sưởi, thức ăn, nước uống, thậm chí không có cả thân thể này, chỉ có mỗi tâm thức cùng với nghiệp lực. Dù khi sống chúng ta từng có thân phận gì, giầu hay nghèo, học thức hay ít chữ, địa vị cao thấp, xuất gia hay không, chúng ta đều phải trải qua tiến trình chết trung ấm và tái sinh khổ đau, kinh hoàng và tiềm ẩn đầy nguy cơ đọa lạc. Chúng ta không thể nào chạy trốn khỏi những giai đoạn khó khăn này. Đây là thời điểm cần thiết nhất để cầu nguyện và hướng tâm chí thành về Đức Phật A Di Đà.


(Cầu siêu quán đỉnh cho chư hương linh anh hùng liệt sĩ)

Cả truyền thống Đại thừa và Kim cương thừa đều tin vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Người sống có thể nâng đỡ và trợ giúp cho người chết bằng cách làm các thiện hạnh, cầu nguyện, giúp cho hương linh người đã chết được thụ nhận thực phẩm bằng cách đốt các thực phẩm trong lửa, tạo thành khói thơm và chú nguyện cho chư hương linh được no lòng nhờ việc tiếp xúc với mùi hương. Một số vong linh có thể không thể tiếp xúc được với mùi hương vì nghiệp quả của họ, nhưng nếu người sống tha thiết chí thành cầu nguyện đến Đức Phật A Di Đà và chú nguyện bằng các bài chân ngôn thì các vong linh cũng được thọ hưởng mùi thực phẩm đốt. Điều này làm họ hạnh phúc và no đủ như được ăn những thức ăn ngon. Và không chỉ có thế, trong Kim cương thừa chúng ta có phương pháp cầu siêu quán đỉnh Jangwa để triệu thỉnh vong linh đến trước một bậc Thượng sư chứng ngộ, triệu thỉnh Tam Bảo, triệu thỉnh Đức Phật A Di Đà che chở cho hương linh. Bậc Thượng sư sẽ giảng pháp, ban quán đỉnh khẩu truyền và hướng dẫn vong linh thoát khỏi trung ấm, nhờ thế hương linh sẽ bớt sợ hãi, theo sự hướng dẫn của bậc Thầy để vãng sinh Tịnh độ trong ánh hào quang của Đức Phật A Di Đà.

Tại sao Đức Phật A Di Đà lại đặc biệt có thể trợ giúp người chết được như vậy?
Bởi vì khi còn là một vị Bồ tát, Ngài đã phát bốn mươi tám lời thệ nguyện, đại ý rằng: “Nguyện khi con thành Phật có thể cứu độ tất cả các chúng sinh đau khổ, đặc biệt tiếp dẫn các hương linh được sinh về cõi Tịnh độ của con và không còn phải chịu một chút khổ đau nào. Các hương linh nếu chí thành phát nguyện sẽ được đới nghiệp vãng sinh, không cần trải qua các ngôi vị tu chứng. Chỉ cần nhớ và niệm danh hiệu của con với tâm chí thành tha thiết cầu vãng sinh Tịnh độ thì tất cả đều có thể giải thoát về cõi Tây phương Cực lạc”. Nay Ngài đã thành Phật, bốn mươi tám đại nguyện của Ngài đã thành sự thật, cõi Tịnh độ của Ngài đã thực sự thành tựu ở Tây phương. Cõi Tịnh độ của Ngài thực sự dành cho chúng ta, những kẻ lầm đường, lạc lối. Bởi vậy khi lìa đời, chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Phật A Di Đà. Cõi Tịnh độ và pháp tu về Đức Phật A Di Đà là phương tiện thiện xảo giúp chúng ta đạt giải thoát dễ dàng không khó khăn gì. Đây là một cõi Tịnh độ vô cùng đặc biệt, độc đáo và rất phù hợp với những kẻ phàm tình như chúng ta. Cho dù chúng ta không thể chứng được ngôi địa nào, chỉ cần một lòng tha thiết chí thành, nhất tâm trì niệm danh hiệu và nhớ về cõi Tịnh độ của Ngài, thì chúng ta cũng có thể sinh về cõi đó. Bởi thế, tất cả chúng ta cần nỗ lực cố gắng thực hành Pháp tu A Di Đà ngay từ bây giờ để có nơi nương tựa lúc ra đi, tích góp hành trang cho chuyến đi xa nhất của đời người. Đời người rất vô thường mong manh, chúng ta không thể biết trước khi nào mình sẽ ra đi. Rất có thể ngày mai sẽ là ngày cuối cuộc đời, thế nên ngay từ lúc này, chúng ta cần chuẩn bị hành trang cho chuyến đi cuối cùng này thật chu đáo.


(Đức Phật A Di Đà)


Trong lúc sống, chúng ta luôn chấp trước vào tên tuổi và thân thể của mình. Thậm chí đến khi đã chết, thân thể đã bị thiêu hoặc chôn xuống đất, thần thức đang lang thang ở cõi trung ấm mịt mùng nhưng chúng ta vẫn vô minh cho rằng thân thể mình vẫn còn đó, vẫn chấp trước vào cái tôi không thật đã qua. Bởi thế, thông qua các phương tiện thiện xảo của Kim cương thừa, dưới ân đức gia trì của Đức Phật A Di Đà, chúng ta đốt tên và ảnh của người chết vào ngọn lửa trí tuệ của Đức Phật A Đi Đà, thả tro xuống sông hoặc đặt ở những nơi núi cao rừng thẳm để cho nó tan dần vào tứ đại. Phương pháp này rất là hữu hiệu cho người chết thoát khỏi sự chấp trước vào thân cũng như vào tên của họ, giúp họ giải thoát, trực vãng Tây phương không gặp chướng ngại gì. Nếu không, dù có tâm chí thành hướng về Đức Phật A Di Đà nhưng do tâm còn chấp trước vào thân và tên tuổi của mình, họ vẫn sẽ không thể vãng sinh. Chính vì thế buổi lễ gia trì chú nguyện và đốt ảnh là rất quan trọng.

Đức Phật A Di Đà có rất nhiều pháp tướng khác nhau

Đức Phật A Di Đà có rất nhiều pháp tướng khác nhau. Đặc biệt trong Kim cương thừa, Ngài có tới ba hoặc bốn pháp tướng. Một trong số đó là Đức Phật Amitayus Vô Lượng Thọ. Ngài là Báo thân của Đức Phật A Di Đà. Còn Đức Phật A Di Đà là Pháp thân. Đôi khi Ngài còn hiện thân trong pháp tướng phẫn nộ. Như thế, Ngài có ba thân chính và tám hóa thân phụ. Pháp tu về Đức Phật Amitayus có liên quan chặt chẽ đến đời sống hiện tại của chúng ta. “Amita” có nghĩa là “Đại hỷ lạc”, hay cũng có nghĩa là không còn đau khổ, “yus” có nghĩa là “cuộc sống”. Vậy thì “Amitayus” có nghĩa là cuộc sống không còn đau khổ, cuộc sống đại hỷ lạc, mạnh khỏe, có ý nghĩa, lợi ích, thành công. Sống được như thế thì sự trường thọ sẽ đến một cách nhậm vận tự nhiên. Còn “Amitabha” nghĩa chung là đại hỷ lạc, Đức Phật đại hỷ lạc chính là Pháp thân, vì thế không có chữ “yus” mà gọi là Đức Phật Amitabha.


(Đức Phật Amitayus Vô Lượng Thọ)

Hôm nay chúng ta sẽ thực hành Pháp tu về Đức Phật Amitayus Vô Lượng Thọ vì Ngài có liên hệ mật thiết đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Trước khi tu tập, trì niệm chúng ta cần quán tưởng hình ảnh của Ngài ở phía trên đỉnh đầu mình. Chúng ta có thể quán tưởng Ngài giống như Đức Phật A Di Đà, chỉ khác một chút là Ngài đội vương miện Ngũ trí, an tọa trên tòa sen đĩa mặt trăng trong tư thế Kim Cương, hai tay kết ấn thiền định, giữa lòng hai tay có bảo bình chứa đầy cam lồ bất tử. Thân Ngài sắc đỏ là sự thể hiện đại hỷ lạc, Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, vận trang sức Báo thân Phật, trang hoàng rực rỡ, các trang sức bảo báu và thiên y, các loại tua lụa khác nhau. Đó là những tượng trưng cho phẩm tính giác ngộ, đức hạnh, từ bi, trí tuệ của chư Phật. Trên luân xa trán của Ngài an trí chữ chủng tử Om (sắc trắng), nơi cổ họng là chữ Ah (sắc đỏ), tâm là chữ Hung (sắc xanh dương). Bản chất ba Kim Cương thân, khẩu, ý giác ngộ này tỏa chiếu hào quang rực rỡ của lòng từ bi và trí tuệ ban trải lợi ích khắp mười phương pháp giới chúng sinh. Sau đó bạn quán từ Bảo bình trong bàn tay Đức Phật Vô Lượng Thọ, cam lồ sắc trắng chảy xuống thân thể và tịnh hóa cho bạn mọi nghiệp chướng, báo chướng, các tai nạn yểu thọ, chết bất đắc kỳ tử,...và ban cho bạn sự trường thọ và một đời sống hạnh phúc bình an hướng tới giác ngộ giải thoát.

Giờ đây, chúng ta đã kết thúc Pháp hội cầu siêu quán đỉnh, khóa lễ quán đỉnh ban phúc từ Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Amitayus Vô Lượng Thọ và khóa lễ cúng dàng Ganachakra. Mong nguyện tất cả chúng ta đều có một cuộc sống hạnh phúc trường thọ để lợi ích Phật pháp và sau khi xả bỏ báo thân, đều được vãng sinh lên cõi Tịnh độ thù thắng của Đức Phật A Di Đà.
 

(Trích sách Mandala)

File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,025,787
Số người trực tuyến: