Ngôn ngữ của Tâm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ngôn ngữ của Tâm

1259
25/03/2022 - 20:01

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc di chuyển đi lại là một điều khiến rất nhiều người cảm thấy bất an - từ nỗi sợ đi máy bay cho tới việc hàng ngày phải đứng chờ ở bến xe buýt, không biết chờ bao lâu mới có xe, hoặc bị những hành khách đi vé tháng chen lấn, xô đẩy một cách thô bạo, nhất là trong giờ cao điểm. Bạn tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng chuyện này và cảm thấy bất lực vì chẳng còn lựa chọn nào khác để đến công sở đúng giờ. Bạn cảm thấy mình đang quá lãng phí thời gian, thậm chí không thể đọc sách trong lúc đứng chen chúc trên tàu xe. Sao người ta cứ phải chen lấn thay vì nhường nhịn nhau? Sao mọi người lại bất nhã như vậy, cứ chăm chăm đọc báo thay vì đứng lên nhường chỗ cho một phụ nữ đang mang thai?



 

Cảm giác bất lực khiến bạn thấy mình không thể kiểm soát nổi những xúc tình của bản thân và cho rằng chỉ có những yếu tố bên ngoài đang làm phát khởi xúc tình trong tâm bạn. Song thực tế cho dù bất cứ điều gì đang diễn ra ở xung quanh, bạn vẫn có thể chọn cho mình cách phản ứng lại. Bạn thực sự có thể chủ động giải quyết vấn đề để giúp tâm thư giãn, chẳng hạn như quyết định ra khỏi nhà sớm hơn mười lăm phút, nhờ đó sẽ giảm bớt phần nào sự căng thẳng trên hành trình đến chỗ làm. Bạn cảm thấy bình tĩnh hơn khi biết chắc mình không phải vội vàng, nhờ vậy bạn sẽ bớt nóng nảy phản ứng mạnh mẽ với những người đang chen lấn xô đẩy.

 

Ngoài ra, cho dù thân bạn có cảm thấy chật chội, tù túng đến đâu trên chuyến xe khách chật ních người vào giờ tan tầm, tâm bạn lại không nhất thiết phải bị gò bó theo cách như thế. Thay vì hao tâm tổn sức cho những cảm xúc bực bội hoặc tập trung vào những người khiến mình phiền toái, bạn có thể nghĩ đến những điều tốt đẹp xảy ra gần đây, hay thầm phác thảo trong đầu một bức thư tình, hoặc đơn giản là tập trung vào hơi thở để đem lại sự thư giãn cho cơ thể. Bạn có thể đắm mình trong một cuốn sách hay, hoặc đôi khi bạn chỉ cần để cho tâm mình lắng xuống và sáng suốt để sẵn sàng cho một ngày mới.



 

Thực tại không phải điều gì cố định bất biến, mà được hình thành từ những nhận thức và quan niệm của chúng ta. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào chính tâm ta chứ không phải bất cứ điều gì khác. Chúng ta có thể tự mình gieo những hạt giống hạnh phúc, chăm bón, tưới tẩm và chia sẻ với mọi người thông qua tình yêu thương và lòng từ bi quảng đại. Những bận rộn và áp lực của cuộc sống rất dễ khiến chúng ta lạc bước khỏi con đường hạnh phúc – khi đó bạn bắt đầu cảm thấy bất an hoặc để cho những ý nghĩ và xúc tình tiêu cực ngự trị. Song chỉ cần một chút hiểu biết và thực hành, chúng ta có thể quay trở lại với những “thói quen hạnh phúc”, cho dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Bậc Căn bản Thượng sư của tôi, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, có một câu nói tuy đơn giản song gói trọn tinh túy của những điều tôi đang trình bày: “Thật tuyệt vời nếu hôm nay mọi việc diễn ra tốt đẹp. Song nếu không được như vậy thì cũng chẳng hề gì.” Chỉ cần rộng lòng đón nhận mọi bất ngờ, tự tại trước những thăng trầm của đời sống, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chúng ta chấp nhận rằng có nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, song chúng ta biết làm chủ những phản ứng nội tâm.


Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche tại Hạ Long, Quảng Ninh
 

Bạn cần biết gì về tâm để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

 

Trước khi muốn thực hiện bất cứ thay đổi tích cực nào, chúng ta đều cần có sự hiểu biết nhất định. Nếu không, ta rất dễ bị rơi vào những phản ứng tự động, cố hữu đã hình thành và tích tụ trong ta qua nhiều đời. Chúng ta thường không ý thức về việc mình đang làm. Ngay khi ta cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên của một mối đe dọa hay khó khăn nào đó, chúng ta lập tức thu mình về, theo những hiểu biết chủ quan, hay nói đúng hơn là tự động phản ứng theo những tập khí đã được lưu lại trong tiềm thức.

 

Những phản ứng tự động như vậy, về cơ bản rất hữu ích cho chúng ta. Chúng ta không cần phải học lại cách lái xe, hoặc thậm chí là tập đi mỗi ngày. Chúng ta chẳng cần đắn đo suy tính khi lựa chọn ăn cháo hay ngũ cốc, chẳng cần bận tâm cân nhắc từng việc như vậy trong cuộc sống hàng ngày.


Tôn tượng Đức Tara tại Tự viện Hemis, Ladakh
 

Vấn đề là khi dựa dẫm quá nhiều vào thói quen hay những cơ chế tự động đó, chúng ta đang thực sự giới hạn tiềm năng của mình. Mặc dù vẫn có thể sống qua ngày song vô hình chung chúng ta đang kìm hãm trí tuệ của bản thân và không thể mở lòng đón nhận những món quà cuộc sống ban tặng. Chúng ta có thể cảm nhận mình bị mắc kẹt quá nhiều trong những thói quen vô thức, nhận ra có những tập khí đã trở nên tiêu cực thay vì mang lại lợi ích (chẳng hạn như thói quen uống một ly rượu để kết thúc mỗi ngày làm việc).


Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa chủ trì khóa lễ tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
 

Đã có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về tâm của con người, tìm hiểu về cơ chế vận hành của tâm, để giải đáp vì sao ngày càng có nhiều người mắc phải những căn bệnh tinh thần kinh niên như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, đồng thời tìm những phương pháp để giúp chúng ta tự chăm sóc và trưởng dưỡng tâm. Gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu viết về hai khía cạnh của tâm - ý thức và tiềm thức, tư duy chậm và nhanh, “não thằn lằn” trong cấu trúc bộ não người và tinh tinh. Mặc dù triết học Phật giáo đã đề cập đến hai trạng thái trên của tâm từ hàng ngàn năm trước, khoa học hiện đại mới chỉ chập chững khám phá lĩnh vực này. Như thế, triết học Phật giáo có thể cung cấp một ngôn ngữ của tâm giúp bổ trợ soi sáng cho những khám phá khoa học trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, có lẽ Phật giáo còn đặc biệt chỉ ra một góc nhìn khác: ẩn dưới những tầng sâu tâm thức và tiềm thức, phía sau tất cả những suy nghĩ tư duy là tự tính tâm chân thật và siêu việt của mỗi người!

 
~ Trích ấn phẩm “Tâm an lạc” - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,430
Số người trực tuyến: