Năng lực Tâm giác ngộ - Bi Trí Dũng sẵn có nơi mỗi chúng ta | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Năng lực Tâm giác ngộ - Bi Trí Dũng sẵn có nơi mỗi chúng ta

1091
14/03/2022 - 17:23

Trong chân lý tuyệt đối thì Phật, chúng sinh và Đức Quan Âm vốn đồng thể, không sai biệt; bản lai toàn giác đều là Phật. Về chân lý tương đối, do chúng sinh còn mê lầm, chưa hiển lộ trọn vẹn sự giác ngộ và những phẩm chất Bi Trí Dũng sẵn có, nên có rất nhiều chư Phật và Bồ tát đã tu tập thành tựu giác ngộ, thực hiện hết thảy công hạnh lợi ích chúng sinh. Chư Phật và Bồ tát đã viên mãn vô số hạnh nguyện của mình, nên khi cầu nguyện đến các Ngài, chúng ta cũng được cộng hưởng công đức các Ngài đã thành tựu.

 

Đức Quan Âm Tứ Thủ

 

Trong kinh Đại thừa có câu thường tụng: “Năng lễ sở lễ tính không tịch, Cảm ứng Đạo giao khó nghĩ bàn”. Chúng ta biết tuy tự tính chân tâm chư Phật thì “đồng thể” nhưng nguyện lực từng Ngài có các diệu dụng gia trì cảm ứng khác nhau. Ví dụ như Đức Địa Tạng phát nguyện cứu khổ chúng sinh nơi Địa ngục. Đức Di Đà phát nguyện tiếp dẫn chúng sinh về cảnh giới Tịnh Độ để từ đó tiếp tục con đường hướng đến thành tựu giác ngộ. Đức Dược Sư có năng lực chữa lành tật bệnh cả nơi thân và tâm các chúng sinh. Còn Đức Quan Âm có nguyện lực “tầm thanh cứu khổ”. Trong hồng danh của Ngài, chữ “quan” có hai nghĩa:

 

 

1. Nghĩa thứ nhất là, vì Đức Quan Âm an trụ trong Trí tuệ Bát nhã, mọi khổ đau của chúng sinh đều hiện hết trong trí tuệ này nên không có nỗi khổ nào của chúng sinh mà Ngài không thấu.

2. Nghĩa thứ hai, chính vì thế mà Ngài có thể quan sát tất cả các âm thanh thế gian để cứu khổ chúng sinh. Nguyện lực của chư Phật và Bồ tát không là gì khác mà chính là Bi Trí Dũng hay là các công hạnh giác ngộ, từ bi và trí tuệ.

 

Từ góc độ chân lý tuyệt đối, Đức Quan Âm chính là Tự Tại Vương Như Lai, một vị Cổ Phật đã đạt toàn giác bản lai. Từ góc độ chân lý tương đối, Ngài hiện thân trong sắc tướng Quan Âm Bồ tát, từ chối thể nhập Niết bàn, còn gọi là cảnh giới Pháp thân, để ở lại trong luân hồi tầm thanh cứu khổ, độ thoát chúng sinh, đưa tất cả tới bến bờ giác ngộ. Mỗi khi chúng sinh lâm nạn cầu cứu thì Đức Quan Âm hiện thân cứu độ. Sự hiện thân của Ngài không là gì khác mà chính là diệu dụng của lòng Đại bi. Vì đã chứng nhập “Nhĩ căn viên thông”, vì an trụ trong trí tuệ Bát nhã nên Ngài có thể thấu suốt mọi tâm niệm, mọi tiếng kêu cầu đau khổ của chúng sinh ở mọi lúc, mọi nơi và có khả năng tức khắc ứng hiện cứu giúp một cách nhiệm mầu, tự tại.

 

 

Còn chúng ta, khi tha thiết cầu nguyện lên Đức Quan Âm, cũng là lúc ta trở về “đồng thể Đại bi” với Ngài. Giây phút nhất tâm khẩn cầu, tâm ta dốc lòng hướng về tự tính Đại bi, không còn bị chút tạp niệm, nhiễm ô, nghi ngờ chi phối nữa. Khi chí thành tin tưởng, quay về nương tựa vào năng lực Đức Quan Âm, đó không là gì khác mà chính là sự phản chiếu năng lực Tâm giác ngộ Bi Trí Dũng sẵn có nơi mỗi hữu tình. Năng lực này vốn không có chướng ngại bên trong và bên ngoài. Chính vì thế tất cả những tâm nguyện mong cầu đều có thể nhậm vận, tự nhiên viên mãn thành tựu.

 

Nói tóm gọn lại, tính Phật nhiệm màu hay Vô tác diệu lực của Đức Quan Âm bao gồm ba khía cạnh:

 
  1. Thứ nhất, Đức Quan Âm và chúng sinh vốn đồng một tự tính Phật hay bản thể Đại bi. Khi cầu nguyện lên Ngài, vì nhất tâm chí thành thanh tịnh trở về “đồng thể Đại bi” nên cảm ứng tự nhiên cứu độ.

  2. Thứ hai, nương vào năng lực nguyện hạnh siêu việt và công đức đã thành tựu viên mãn của Đức Quan Âm nên Ngai có thể tự tại vô ngại mà “thả thuyền cứu vớt chúng sinh”.

  3. Thứ ba là, chúng sinh trôi lăn trong luân hồi do bị che mờ tự tính. Trong lúc khổ nạn khó khăn, cấp thiết nguy nan, khi nhất tâm hướng về Đức Quan Âm chính là nhất tâm hướng về tự tính Phật và tâm Đại bi nên được cứu khổ. Sự cứu độ của Đức Quan Âm khác hẳn sự cứu giúp của các thánh thần khác ở chỗ vô điều kiện và chỉ vì lợi ích chúng sinh. Đức Quan Âm là một Đức Phật đã thoát luân hồi sinh tử, nên các công hạnh và sự gia trì của Ngài đều là “vô lậu nghiệp”, không có nhân quả luân hồi trong đấy.

 

 

Do không nắm vững sự hợp nhất diệu dụng giữa tự lực và tha lực nên một số người đã cho rằng Pháp tu Quan Âm chỉ gói gọn trong sự cầu đảo mê tín của những kẻ yếu đuối có căn cơ hạ liệt, rồi nhìn nhận Mật thừa dưới góc độ tiêu cực và sai lệch. Những người có tâm bài báng đó không hề biết rằng Mật thừa hay Kim cương thừa luôn hàm chứa những phương tiện thiện xảo truyền tải giáo lý giải thoát của Đức Phật. Hết thảy các Đàn Giới (Mandala), Ấn Quyết (Mudra), Chân ngôn (Mantra), Minh Chú (Vidya), Tổng Trì (Dharani) đều biểu trưng cho bản nguyện từ bi phổ độ của chư Phật và các bậc hiền thánh. Tóm lại, hành giả Mật thừa cần phải thấu hiểu rõ ràng sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả Kinh thừa và Mật thừa. Những người bài bác điều này có khác gì bài bác, hủy báng lòng Từ bi của Chư Phật.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,424
Số người trực tuyến: