Thần lực của Mandala bắt nguồn từ đâu? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thần lực của Mandala bắt nguồn từ đâu?

860
09/02/2019 - 06:08

Mandala là thuật ngữ của Phật giáo Kim Cương thừa, nghĩa là sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ. Nếu giải nghĩa của từ Mandala trong tiếng Phạn thì chữ «Man» biểu trưng cho tâm và chữ “dou” (hay “dala”) biểu trưng cho các hoạt động công hạnh. Vậy nên, tâm từ bi cần phải được hiện thực hóa qua các hoạt động của tình yêu thương đích thực.

Mandala cũng là Pháp bảo tràn đầy thần lực gia trì “Giải thoát qua chiêm ngưỡng”, giúp người chiêm bái với tâm chí thành thuần khiết có thể chấm dứt khổ đau, viên mãn sở nguyện và thành tựu giác ngộ. Thần lực Mandala bắt nguồn từ các yếu tố sau:

1. Bản tâm của Vạn Pháp: Theo quan kiến Vũ trụ học Kim Cương thừa, Mandala chính là Tâm giác ngộ, là Bản thể của vạn pháp. Từ Mandala, Lục đại duyên khởi (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức) tạo thành vạn pháp. Bởi vậy, tất cả vạn pháp, niết bàn, tính tướng, nhân quả, luân hồi đều lưu xuất từ Mandala.

2. Thần lực gia trì từ cõi Tịnh độ Phật: Từ Thân Khẩu Ý giác ngộ, tràn đầy phẩm chất từ bi - trí tuệ xuất phát từ nguyện lực cứu khổ chúng sinh của chư Phật hòa cùng năng lực thiền định và chứng ngộ tâm linh của những Bậc Thầy kiến lập Mandala theo đúng pháp đã tạo nên một Vũ trụ thanh tịnh, chính là Mandala - cảnh giới Giác ngộ, cõi Tịnh độ của chư Phật.  

3. Thần lực Mandala lưu xuất từ Tâm giác ngộ: Mandala được kiến lập bởi các bậc Cao Tăng đã thành tựu tu tập. Các Ngài luôn trì giữ Thân Khẩu Ý thanh tịnh và lưu xuất Mandala này từ tâm Đại Bi của mình. Mỗi hành động của các Ngài, dù là nét vẽ hay đường rắc kiến lập nên Mandala đều vì lợi ích vô lượng chúng sinh, và vì thế tạo ra Thần lực vô song của Mandala.

4. Biểu tượng mang thần lực gia trì giúp tích lũy vô lượng công đức: Mandala tương ứng với Đại vũ trụ, với các biểu tượng hình tròn nêu biểu thời gian (hay tính không), hình vuông nêu biểu không gian (tương ứng với lòng Từ Bi Hỷ Xả). Các đường vẽ của Mandala nêu biểu cho Pháp và màu sắc trong Mandala nêu biểu bốn công hạnh giác ngộ: phương Đông – màu Trắng - tức tai, phương Nam – màu Vàng - tăng ích, phương Tây – màu Đỏ - kính ái, phương Bắc – màu xanh lục – hàng phục.

Ngoài ra các màu sắc trong Mandala cũng tương ứng với phẩm chất của Ngũ Trí Phật, với các đặc tính siêu việt như: Xanh lục đối trị lòng ghen tị, xanh dương đối trị với sân giận, màu trắng tiêu trừ vô minh, màu đỏ tiêu trừ tham muốn, màu vàng tịnh hóa sự kiêu mạn và bản ngã. Việc chiêm ngưỡng Mandala giúp tiêu trừ nghiệp chướng vô cùng mạnh mẽ, siêu việt nhân quả thế gian để tích lũy vô lượng công đức giác ngộ.

5. Thần lực nêu biểu cho pháp giải thoát: Mỗi chi tiết trong Mandala đều nêu biểu cho Pháp giải thoát mang lại công đức vô hạn, hội tụ đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa, biểu tượng của sự giải thoát. Điều này khiến dù chỉ một hạt ngọc đá quý trong Mandala đều trở thành một Mandala hoàn hảo, là tinh túy của Từ bi và Vũ trụ, mang Thần lực không thể nghĩ bàn, có sức mạnh tâm linh siêu việt!

Lợi ích chiêm bái Đại Mandala

Người chiêm bái Mandala với tín tâm thuần khiết thanh tịnh sẽ đón nhận Thần lực gia trì trọn vẹn: tất cả thân bệnh, chướng ngại bên trong và cả môi trường bên ngoài đều tức thời được tịnh hóa và chữa lành, giúp mọi người thành tựu mọi sự nghiệp, được hạnh phúc, trường thọ, viên mãn mọi tâm nguyện.

Đại Mandala Phật Quan Âm ngọc đá quý được trưng bày tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên  là Pháp bảo tràn đầy thần lực gia trì “Giải thoát qua chiêm ngưỡng”, giúp người chiêm bái với tâm chí thành thuần khiết có thể chấm dứt khổ đau, viên mãn sở nguyện và thành tựu giác ngộ.

- Đại Mandala Phật Quan Âm được kiến lập được kiến lập miên mật và đúng Pháp trong vòng 9 ngày bởi 20 bậc Cao Tăng đã thành tựu tâm linh.

- Được chế tác từ 35 loại ngọc, đá quý và bán quý tự nhiên như hồng ngọc, thạch anh, lapis lazuli, avel...

- Tuyệt tác nghệ thuật Mật thừa này có đường kính kỷ lục 9 mét, dựng trên nền móng Mandala 16 mét trong nhà cột cao 3,4 mét.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,428
Số người trực tuyến: