Đức Pháp Vương khai thị về lợi ích Kinh Phổ Hiền Quảng nguyện Vương | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Pháp Vương khai thị về lợi ích Kinh Phổ Hiền Quảng nguyện Vương

16755
22/07/2022 - 12:23

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng khai thị: “Kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương này do chính từ kim khẩu của Đức Phật tuyên thuyết ra, lời nói từ một bậc Thầy đã chứa đựng ân phúc gia trì rất lớn, lời nói từ kim khẩu của chính Đức Phật thuyết ra thì năng lực còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trì tụng dù chỉ một lần khóa lễ Monlam Zangchod cũng giúp bạn tích lũy vô biên công đức; việc trì tụng cộng đồng với tâm Bồ đề và sự hồi hướng thanh tịnh sẽ giúp viên mãn mọi tâm nguyện, cho quốc thái dân an, vạn loài hạnh phúc”.


(Đức Phật Trí Tuệ Văn Thù)

Đức Phổ Hiền qua các tranh tượng Tam Tôn thường được gọi là Thích Ca Tam Thánh hay Hoa Nghiêm Tam Thánh, trong đó Đức Thế Tôn ở giữa, bên phải Ngài là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng cầm hoa sen, bên trái Ngài là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử cầm gươm báu. Voi trắng chỉ cho sức mạnh của tu tập, sự thắng vượt; hoa sen chỉ cho sự thanh tịnh của đức hạnh, trí tuệ viên mãn.

Sáu ngà của voi báu nêu biểu “Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo vô biên tội. Nay tu theo lời Phật dạy, sáu căn chuyển thành sáu ngà giúp Ngài tạo muôn vàn công đức. Sáu ngà là sáu thần thông. Voi là loài có khả năng chở nặng đi ngược dốc không gì chướng ngại. Sức mạnh của voi nêu biểu bất tư nghì lực, hàng phục tất cả những việc khó làm".

Ý nghĩa về Bồ Tát Phổ Hiền được kinh điển Đại thừa triển khai rất rộng rãi và xúc tích. Ngài xuất hiện trong các kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang Đảnh, Bi Hoa, Địa Tạng, Mạn-đà-la Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát…và được giải bàn ý nghĩa trong rất nhiều luận giải.

Nói đến Bồ tát Phổ Hiền là nói đến Đức hạnh, sự tu hành tinh tấn, giới luật nghiêm minh. Đại nguyện của Ngài là đại nguyện của chư Bồ Tát nói chung, biểu hiện cho giới đức, cho sự tinh tấn tu tập, đưa giáo pháp của Đức Phật đến với mọi chúng sinh, cho đến khi cùng với mọi chúng sinh được giải thoát tối hậu Niết bàn. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Đức Phật dạy về hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền như sau: “ Các ông nghe hạnh nguyện vương mà chớ sinh lòng ngờ, phải nên chân thật nhận lấy, nhận rồi nên đọc, đọc rồi nên tụng, tụng rồi nên trì, cho đến biên chép, nói rộng cho người. Những người ấy trong một niệm, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, đạt được vô lượng vô biên công đức, có thể ở trong biển khổ phiền não lớn cứu vớt chúng sinh, khiến họ xuất ly, đều vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-đà”. Tin theo lời Phật, chúng ta tin và hành theo Bồ tát Phổ Hiền, đặc biệt là sự nỗ lực trì tụng và thực hành hết khả năng theo mười hạnh nguyện của Ngài.

(Tranh tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh)

Duyên do của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện: Xưa kia, lúc đức Thế Tôn thị hiện thành Phật; lúc ban sơ, nhập định dưới cội Bồ Đề, giảng kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; giảng thuyết lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, cảnh giới một niệm và cả kiếp viên dung. Nói cách khác, siêu việt cả thời gian lẫn không gian, chẳng có thời gian dài hay ngắn, chẳng có không gian xa hay gần. Đây chính là cảnh giới giải thoát giác ngộ chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ Tát chứng đắc.

Phổ Hiền hạnh mênh mông bát ngát trùm khắp pháp giới, thu gọn mười điều gồm trong việc

1- Kính lễ
2- Xưng tán Phật
3-Tu hạnh Cúng dường
4- Sám hối nghiệp chướng
5- Tùy hỷ công đức

6- Thuyết pháp độ sanh
7- Thỉnh Phật trụ thế
8- Theo Phật mà tu học
9- tùy thuận ý chí của chúng sinh
10- hồi hướng công đức cho chúng sinh.

Thành tựu mười hạnh nguyện Phổ Hiền, chúng ta sẽ đạt quả vị Như Lai. Thực tế ta không thấy Phổ Hiền nhưng hiện hữu tác động của Ngài vô cùng, không đâu Ngài không đến, tùy yêu cầu của chúng sinh. Yêu cầu gì Ngài hiện thân đó. Nếu cố chấp Phổ Hiền với một loại hình, sắc thân cố định, chúng ta sẽ không có và không thành tựu Phổ Hiền. Nơi quả đức Như Lai viên mãn, nhất định phải tu đại hạnh thì phúc đức mới viên mãn. Mỗi một hạnh môn đều tương ứng với tự tính, nhưng mỗi một hạnh môn lại trọn khắp pháp giới. Đã thế, mỗi một hạnh môn lại bao trùm hết thảy hạnh; hết thảy hạnh cũng đều bao gồm trong một hạnh. Đấy chính là bản thể của Phổ Hiền hạnh, mà cũng là hạnh Phổ Hiền Bồ Tát thực hành. Nói cách khác, do phương pháp tu hành này mà thành tựu Phổ Hiền Bồ Tát.

Đức Văn Thù đưa Thiện tài nhập Pháp giới để gặp Phổ Hiền. Thiện Tài không thấy Phổ Hiền bằng mắt. Phải quan sát Phổ Hiền hạnh mới thấy. Nhờ thiện căn phúc đức nhiều đời, Thiện Tài thấy thân Phổ Hiền trùm khắp pháp giới. Ba đời chư Phật đều nằm trong một chân lông của Phổ Hiền. Phổ Hiền có khả năng phân thân mười phương và thu gọn tất cả vào một chân lông (trí phàm chỉ đứng ngoài lề, không thể nào dùng tâm nhị nguyên giải thích được cảnh giới Phổ Hiền).

Phổ Hiền có khả năng chẻ các thế giới thành bụi, uống cạn nước bằng biển và bao nhiêu chúng sinh trong đó không hề biết là mình đã vào trong bụng Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ tát tuyên bố chỉ duy nhất có một việc Ngài không làm nổi là nói được hết công đức của Như Lai. Phải vào Phổ Hiền hạnh môn, tu Phổ Hiền hạnh nguyện mới hiểu được thế nào là công đức Như Lai. Trước hết phải ngộ nhập biển tính Tỳ Lô Giá Na (Phổ Hiền Pháp Thân).

Văn Thù là trí đức, Phổ Hiền là hạnh đức. đó chỉ là một cách phân biệt hai khía cạnh của cùng một thể tính Phật tuyệt đối, tâm sáng suốt bất nhị giữa vạn Pháp và tính không viên diệu bất tư nghì. Cho nên Phổ Hiền hay Văn Thù vẫn là trong một thể tính. Phổ Hiền là tam-muội tự tại, Văn Thù là bát-nhã tự tại, Tam muội là thiền định, Bát nhã là trí tuệ. Thiền định là tất yếu của trí tuệ. Thiền định rốt ráo là trí tuệ. Trí tuệ là kết quả của Thiền định. Tu định để có tuệ, tu Tuệ thì không thể không có định. Chẳng qua đây chỉ là tạm phân biệt giữa Hành (Phổ Hiền) và Chứng (Văn Thù) để rõ nghĩa cái công năng và kết quả tu tập. Do đó, trong Kinh Phổ Hiền đức Văn Thù phát nguyện nêu biểu tất cả công hạnh Phổ hiền đều bất khả phân và bắt nguồn từ trí tuệ tính không, chính vì thế mỗi từ trong kinh Phổ Hiền chứa đựng vô lượng công đức cho bất kể ai trì tụng.

 

 

File âm thanh

It appears your Web browser is not configured to display PDF files. Download adobe Acrobat or click here to download the PDF file.

Bấm vào đây để tải file PDF

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,136
Số người trực tuyến: