Tây Thiên – Mùa báo hiếu | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tây Thiên – Mùa báo hiếu

615
20/09/2010 - 00:00

Tri ân Cha-Mẹ: Cha mẹ sinh ra ta, mẹ mang nặng đẻ đau, cha mẹ vui lắm khi biết rằng sẽ có con ra đời. Cho đến lúc con được sinh ra và lớn lên cũng là vất vả, khó khăn của cha mẹ chất chồng. Cha mẹ vui cùng những bước đi chập chững của con, xót xa mỗi khi con vấp ngã, lo lắng nhiều khi con ốm đau, mớm cho con từng ngụm nước, miếng cơm và thật đau lòng khi con không nghe lời cha mẹ. Cha mẹ luôn mong con lớn khôn, khỏe mạnh. Cha mẹ hi sinh bản thân mình, dành hết cho con, mong con trưởng thành, mong con hạnh phúc và luôn lo lắng cho con đến tận  ngày nhắm mắt xuôi tay.

Tri ân xã hội: Tại sao phải tri ân xã hội? Trong xã hội có Thầy, có Cô, Chú, Bác, có anh chị, có bạn bè, có đồng nghiệp. Thầy dạy bảo ta, Thầy yêu thương và giáo dục mong ta tiếp thu những điều tốt đẹp nhất, lí thú nhất  để mau sớm thành người  tốt, tài giỏi để giúp dân, giúp nước và cho chính bản thân ta.

Cô bác, anh chị là những người đi trước luôn giang tay dìu dắt ta, chỉ dẫn điều hay, lẽ phải, nâng đỡ ta suốt cuộc đời.

Bạn bè, đồng nghiệp là những người luôn bên cạnh ta, thành công  cũng là nhờ bạn bè và lúc buồn cũng có bạn sẻ chia.

Tri ân người lao động: Tại sao phải tri ân người lao động? Thử hỏi nếu ta có tiền, thật nhiều tiền, nhưng không có người nông dân gieo trồng lúa gạo thì ta có cơm ăn được không? Nếu không có người làm và nuôi tằm, dệt vải thì ta có áo mặc không? Nếu không có người làm ra gạch, sắt, thép, xi măng thì có tiền ta có thể xây được những ngôi nhà không? Chúng ta phải biết ơn, cảm ơn nhiều lắm!!!

Vu lan – mùa báo hiếu!

Làm con Người thì phải biết tri ân (biết ơn) cha mẹ, nhớ ơn thì phải biết đền ơn, tức là báo hiếu cha mẹ.

alt

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiều Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngục quỷ. Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của bảy kiếp trước.

Theo Kinh Vu Lan Bồn thì ngày xưa, Mục Kiều Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngã quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng  mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Nhưng  vì nghiệp xấu đã tạo nên khi thức ăn đưa lên miệng, thức ăn đã biến thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về hỏi Phật để tìm cách cứu mẹ. Phật dạy rằng : “ Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức để cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách  nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong cứu giải được. Ngày rằm tháng 7 là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật dạy, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật  cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Lễ Vu Lan – Rằm tháng 7 là một  truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của người dân Á Đông. Ở Việt Nam, năm nay rằm tháng 7 rơi vào ngày 24 dương lịch, nhưng ở nhiều nơi trên cả nước các khóa lễ đã được tiến hành ngay từ vài ba ngày trước. Hầu hết các chùa đều tổ chức trong không khí trang nghiêm trầm lắng và thu hút hàng triệu người con Phật trên khắp năm châu bốn biển.

alt

alt

alt

Tôi thật may mắn cùng anh em trong công ty CPĐT Lạc Hồng chọn Tây Thiên là nơi để đến, để làm một điều gì cho ngày lễ Vu Lan.

Đoàn chúng tôi trên 30 người, xuất phát từ Hà Nội lúc 6h sáng, chúng tôi chạy thật nhanh và leo núi liên tục để cho kịp giờ làm lễ.

Ngay từ sáng sớm ngày 14/7 âm lịch, hơn một nghìn Phật tử cùng hơn 70 sư nữ đã tề tựu đông đủ tại Tịnh thất Ni Cô nằm giữa rừng già Tây Thiên, bên dòng suối thác để hưởng thụ các nghi lễ trang trọng và ấm áp tình người.

alt

alt

alt

alt

alt

 

alt

Tôi đã lên đây vài lần, dự các khóa lễ, các khóa cầu an để được  hưởng không khí trong lành và thanh tịnh. Nhưng sao hôm nay thấy lạ quá, nắng rực rỡ trên gương mặt mỗi người, ai cũng cầm bánh kẹo, hoa quả, các  bó cỏ thơm để dâng lên cúng dường. Phật tử về đây đông lắm, nhưng không ai xô đẩy ai. Tất cả đều thành tâm hướng về Tam bảo. Có lẽ ai cũng hiểu, hôm nay là ngày của những người con mong muốn được cúng dường Chư Phật và Chư Tăng để báo đáp ân đức cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng.

Một lần nữa, công ơn dưỡng dục sinh thành của Cha Mẹ lại được Thầy Thanh Tịnh diễn giải, nhắc chúng ta luôn nhớ bổn phận và trách nhiệm làm con.

Từng lời nói của Thầy đã làm cho những ai đã mất cha, mất mẹ ngẹn ngào vì  không còn cơ hội nữa để mà chăm sóc phụng dưỡng. Còn ai may mắn còn mẹ còn cha thì tự răn mình, hứa với mình làm sao để cha mẹ vui lòng. Trên từng nét mặt của các Phật tử hiển hiện thật nhiều cảm xúc, nhưng lúc này đây tôi tin rằng mọi người đang nghĩ nhiều lắm về cha mẹ của mình.

alt

alt

Thế rồi một sự kiện thật đặc biệt đã xảy ra trong buổi lễ mà tôi chưa bao giờ được chứng kiến. Một cô gái mới 19 tuổi từ Sơn La đã tìm lên Tịnh thất Tây Thiên sau khi mẹ cô vừa mất do một căn bệnh hiểm nghèo. Tại đây cô được biết về sự tích báo hiếu của Mục Kiều Liên và cô quyết tâm xin nhà chùa cho phép được nương nhờ cửa Phật, xuống tóc đi tu để tỏ lòng hiếu thảo, đền đáp ân đức với  mẹ, cầu mong mẹ sớm được siêu thoát, và ngày hôm nay cũng chính là 49 ngày mất của mẹ cô. Hơn một nghìn  Phật tử cùng các sư cô chứng kiến và khóc khi làm lễ xuống tóc cho cô. Tôi cũng khóc nhiều lắm, làm sao lại từ bỏ tuổi trẻ, từ bỏ thú vui, từ bỏ dục vọng dễ thế??? Có lẽ sự giác ngộ, mong muốn báo hiếu mẹ, mong muốn mẹ siêu thoát nên cô đã hi sinh cả cái thân quý giá của mình. Tất cả chúng tôi đã khóc, khóc vì một con người, vì một người con hiếu thảo.

alt

alt

alt

Và lúc này đây tôi mới sực nhớ, trong cuộc đời xuôi ngược, trong cuộc sống lo toan đôi khi con quên cha mẹ. Con bận bịu với công việc, với chén cơm, manh áo, bận tâm với những cái nhỏ nhặt hàng ngày mà chẳng nhớ đến ân đức mẹ cha.

Có lẽ các bạn cũng như tôi, rất ít thời gian được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng, nhưng trong ngày lễ Vu Lan này, chúng ta thầm hứa “sẽ là người con tốt, làm nhiều việc tốt để cha mẹ thật vui, sống lâu trăm tuổi”.

alt

alt

alt

alt

alt

Xin cảm ơn các sư cô, Thầy Thanh Tịnh, các Phật tử đã dày công tu tập, hy sinh thân mình hoằng dương đạo pháp phục vụ chúng sinh.  Lễ Vu Lan – mùa báo hiếu ở Tây Thiên – đã nhắc nhở chúng ta về ân đức của cha mẹ, bổn phận của người con, đó cũng là giây phút hướng về nguồn cội, thể hiện đức hạnh của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tịnh thất Tây Thiên, Rằm tháng bảy năm Canh Dần.

Khánh An

Nguồn: http://lachong.vn/Default.aspx?Tab=147&Tin=155

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,024,645
Số người trực tuyến: