Sự chấn động của cõi nhân - thiên vào thời khắc Đức Phật đản sinh | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sự chấn động của cõi nhân - thiên vào thời khắc Đức Phật đản sinh

2418
14/05/2022 - 19:27

Đến ngày trăng tròn tháng Vesākha, theo phong tục thời bấy giờ, hoàng hậu xin phép đức vua về kinh đô Devadaha, nước Koliya, là quê hương của lệnh bà để chờ ngày mãn nhụy khai hoa. Thế rồi, một toán phi mã cấp tốc mang thông điệp của đức vua Suddhodana sang đức vua Suppabuddha đưa tin ngày lệnh bà lên đường. Dân chúng cả hai nước hớn hở chào đón ngày vui, họ tự động sửa sang đường sá, cầu cống, khe rạch; nhà nhà treo đèn kết hoa, cờ ngũ sắc... rực rỡ, náo nhiệt, tưng bừng...

Hôm ấy, trời thanh, gió nhẹ; lệnh bà bước lên kiệu hoa có cung nga dìu hai bên. Hoàng phi Pajāpati Gotamī cùng thị nữ thân tín bước lên những chiếc kiệu sang trọng khác.

Đoàn người rầm rộ lên đường, trước sau có hai đội quân danh dự của hoàng gia nai nịt, yên cương, quân phục, khí giới, giáp bào sáng chói, uy nghi trên thân chiến mã cẩn trọng hộ giá. Ra khỏi cổng thành kinh đô hoa lệ, đoàn xa giá lần ra ngoại ô. Hai bên đường, dân chúng hò reo, tung hoa, rảy nước. Khi tới một rừng cây sāla, thuộc lâm viên Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), giáp ranh biên địa hai nước, thấy phong cảnh xinh đẹp lạ thường, hoàng hậu Mahāmāyā truyền lệnh dừng lại.
Lúc ấy cả rừng hoa sāla trổ hoa trái mùa, rực rỡ phô sắc giữa những mảng màu xanh biếc. Hoàng hậu Mahāmāyā thấy lòng khoan khoái, thanh thản dạo chơi. Không khí như ướp hương, muôn chim như trỗi nhạc; trời đất, cây lá, cỏ hoa... tất thảy đều xanh trong, mịn màng như nhung, như ngọc... Đến một gốc cây sāla đại thụ, hoa nở từ gốc tới ngọn, kết dệt như một tấm thảm gấm, Hoàng hậu ngước nhìn. Có một vòi hoa vươn dài ra, hoa to và đậm sắc - Hoàng hậu đưa tay định níu. Bất chợt, vòi hoa ấy đột nhiên oằn xuống rồi đặt nhẹ lên lòng bàn tay của lệnh bà. Ngay lúc ấy, hoàng hậu Mahāmāyā trở dạ, cung nga thể nữ hối hả giăng màn. Đại Bồ tát đản sinh trong giờ phút thiêng liêng này. Ngài ra khỏi lòng mẹ nhẹ nhàng như vị pháp sư duỗi chân bước xuống pháp tòa.

7 nhân vật đồng sinh để trợ duyên cho Đại Bồ tát

Kinh kể rằng, ngay khi Đại Bồ tát đản sinh, vì do túc duyên ba-la-mật từ nhiều a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy cùng có bảy nhân vật đồng sinh để trợ duyên cho quả vị Chính Đẳng Giác:

1. Công chúa Yasodharā (Da Du Đà La)

2. Ānanda (A Nan), con hoàng thân Amitodana, em ruột đức vua Suddhodana.

3. Channa (Xa Nặc) - người hầu ngựa

4. Kāḷudāyi - con một lão thần lương đống, sau này thỉnh đức Đại Giác về thăm Kapilavatthu.

5. Ngựa Kaṇṭhaka (Kiền Trắc)

6. Cây Bồ đề - nơi Phật ngồi thành đạo.

7. Bốn hầm châu ngọc.

Đại địa chấn động

Đồng thời, như va đập vào cánh cửa huyền mật, siêu nhiên, ba tầng trời thảy đều rúng động, đại địa chao đảo, nước biển trong bốn đại dương dâng cao, ầm ào vỗ giữa hư không. Thiên nhạc trỗi lên, thiên hoa tung bay; phạm thiên, chư thiên trong ba ngàn cõi mở hội vui mừng. Chín con rồng vàng trong mây xanh bay sà xuống, tuôn vòi nước nóng và lạnh ngào ngạt hương, tắm cho Đại Bồ tát. Bốn vị đại phạm thiên ở cõi trời Tịnh Cư đứng bốn góc, giăng tấm lưới bằng vàng mịn đỡ thân Đại Bồ tát không cho rơi xuống đất. Họ nói thoảng vào tai lệnh bà Mahāmāyā rằng:

- Xin hoan hỷ chúc mừng hoàng hậu. Vị ấu nhi này sẽ là một bậc thiên hạ vô song, trí tài và đức hạnh khắp cả ba cõi, sáu đường không ai dám sánh. Ngài chính là một bậc Vô thượng Chí tôn. Lời vừa dứt, Tứ đại Thiên vương đã che chiếc lọng báu và đưa tấm nhung mịn tiếp bồng ngài, rồi trao qua cho cung nữ ẵm ngài trên tấm lụa Dukala.

Bỗng, Đại Bồ tát vùng đứng dậy, đi về hướng Đông bảy bước, dưới đất trồi lên bảy hoa sen đỡ bước chân ngài, có hai vị thiên bưng năm món triều phục của Chuyển luân Thánh vương đi hầu hai bên. Đại Bồ tát một tay chỉ thượng, một tay chỉ hạ, nói lên câu kệ:

“Aggohamasmi lokasmiṃ

Seṭṭho jeṭṭho anuttaro

Ayamantimāme jāti

Natthi dāni punabbhavoti”.

Nghĩa là: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn (Trên trời, dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất). Đây là kiếp cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời sau bởi vì ta đã đoạn tận nguồn gốc của luân hồi sinh tử”.

Đúng vào ngày trăng tròn tháng Vesākha, năm 623 trước Công nguyên, tại kinh thành Kapilavatthu thuộc vương quốc Sākya cổ kính, bên ranh giới tây bắc Ấn Độ thuộc xứ Népal ngày nay, dưới chân ngọn Himalaya hùng vĩ, trong vườn Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), đã giáng sinh một vị hoàng tử mà sau này trở thành giáo chủ của những giáo chủ, đạo sư của những đạo sư vĩ đại nhất trên thế gian, trong lịch sử loài người, đó là đức Siddhattha (Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ Đàm), vua cha là Suddhodana, mẫu hậu là Mahāmāyā.

(Nguồn: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NXB Văn Học, 2014)

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,028
Số người trực tuyến: