Stress | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Stress

7
04/03/2010 - 00:00

Thời gian gần đây qua tiếp xúc với một số đạo hữu, tôi được nghe kể về việc họ đang phải chịu đựng quá nhiều stress – sự căng thẳng về kinh tế, công việc kinh doanh, gia đình và đủ thứ khác nữa. Vì tò mò, tôi đã tra từ điển trực tuyến trên mạng xem các nhà học giả hiện đại định nghĩa như thế nào về stress. Và stress được họ định nghĩa như sau: “Stress là hệ quả của việc không thích ứng được với sự thay đổi.” Thật ngạc nhiên là, theo tôi, xét từ một phương diện nào đó, họ hoàn toàn đúng.

Stress là kết quả của sự không linh hoạt hay không biết chấp nhận. Nói cách khác, stress bị gây ra bởi sự chấp trước và những hy vọng mong đợi mạnh mẽ. Khi ta hy vọng hay mong đợi một điều gì thì cũng sẽ lo sợ rằng điều ta mong đợi sẽ không trở thành hiện thực, nghĩa là những gì ta hy vọng có thể sẽ không xảy ra như mong muốn. Và thế là bị stress.

Nghĩ như vậy cũng khiến tôi bị stress. Một trong những bằng hữu của tôi dường như bật khóc vì mặc dù ông rất thành công trong kinh doanh nhưng ông vẫn bị stress vì phải ra sức duy trì sự thành công ấy, và mặc dù ông đã kiếm được rất nhiều tiền trong suốt 10 năm qua, nhưng giờ đây ông phải chịu đựng rất nhiều stress bởi lẽ nay ông phải làm việc cật lực để duy trì được sự giàu có ấy. Tôi đoan chắc là lần đầu tiên bắt tay vào kinh doanh, ông hẳn đã nghĩ rằng: “Ồ, nếu mình kiếm được tiền triệu thì mình sẽ hạnh phúc và mãn nguyện lắm.” Rồi khi đã kiếm được tiền triệu, ông lại nghĩ đến kiếm tiền tỉ. Ông tự trút lên mình gánh nặng của stress khi đặt ra cho mình cái đích để đạt được, và khi đạt được cái đích đó rồi thì lại tự viện một cái cớ khác đặt tiếp cho mình một cái đích cao hơn. Vì thế, trong tâm chẳng lúc nào được bình an và không giây phút nào được thư thái khỏi stress. Nay ông thậm chí lại còn tìm đến tôi kêu than đang bị stress quá nhiều chỉ vì phải cố gắng duy trì khả năng tiếp tục kiểm được từng ấy tiền.

Đối với quan hệ vợ chồng cũng vậy. Tôi có người bạn cũ gần đây ghé thăm tôi. Cô trông rất mệt mỏi và buồn chán. Cô kể rằng khi mới kết hôn cách đây một vài năm, những tưởng đã tìm được đúng người đàn ông đích thực vừa có tiền, địa vị và danh tiếng. Thậm chí cô từng tuyên bố đó là một đàn ông trong mộng của mình. Vậy mà giờ đây họ đang nghĩ đến chuyện chia tay nhau vì không thể chịu đựng nổi nhau nữa.

Vấn đề là vậy. Ai cũng mong đợi tiền nhiều, bạn đời tốt, kinh doanh thành đạt là chìa khóa tới hạnh phúc. Khi tôi hỏi một vài người bạn tại sao họ ngưng không thực hành Ngondro và tại sao họ dừng không tu tập hàng ngày nữa, họ khiến tôi giật mình sửng sốt khi trả lời rằng: "Con bị stress trong công việc quá nên không có thời gian để tu tập” hay “Để con thành công trong kinh doanh đã rồi con sẽ quay lại thực hành Ngondro." Một số người thậm chí còn nói: “Con đang nỗ lực thành đạt và trở nên giàu có để có thể trợ giúp cho các dự án của ngài, nên hiện tại con không có thời gian để thực hành, con sẽ tu tập sau.” Đồng thời, cũng chính những người này lúc nào cũng kêu với tôi rằng mình bị stress rất căng thẳng.

Có người còn nói với tôi rằng: “Ngài không hiểu được các rắc rối của con đâu vì ngài không phải lo làm ăn kinh doanh, nên ngài không bị stress.” Tôi đã phải bật cười với chính mình rằng nếu họ biết được tôi đang phải chăm lo cho bao nhiêu con người, đang phải nuôi nấng bao nhiêu trẻ em và biết bao nhiêu những ngôi tự viện cũ nát sắp sụp đổ đang cần tôi lo lắng thì họ sẽ nghĩ có lẽ tôi còn bị stress gấp hàng trăm hàng nghìn lần so với bất kỳ ai trong họ. Như tôi đã từng nói, duyên nghiệp của tôi đã mang tôi đến nơi tôi cần đến và giờ tôi phải chăm lo cho không chỉ di sản hơn 800 năm này mà còn vô số những trách nhiệm nặng nề và những vấn đề khó khăn khác nữa.

Vấn đề là nếu đạo tâm không vững vàng, và nếu cứ tiếp tục hướng ra bên ngoài để tìm kiếm các giải pháp thì bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi stress. Nếu vững chắc đạo tâm, bạn sẽ hiểu và thành thục các kỹ năng sống trong hiện tại, điều này chí ít sẽ giúp bạn giải phóng khỏi stress.

Tôi rất lấy làm biết ơn và trân trọng sự quan tâm không ngừng của bằng hữu và đệ tử dành cho bản thân tôi và dòng truyền thừa, như một số người nói rằng họ phải nỗ lực chăm chỉ làm việc để có nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án của tôi. Nhưng tôi chẳng thể hạnh phúc được nếu họ viện cớ đó để dừng sự tu tập. Mặc dù họ có thiện tâm khi khởi niệm muốn giúp đỡ tôi cùng các dự án, song tôi lại cảm thấy tiếc vì không thể giúp họ hạnh phúc mà cách thức duy nhất tôi có thể giúp là thông qua tu tập tâm linh và dẫn dắt họ trong tu tập đạo pháp.

Tôi cũng đã đôi lần tự kiểm tra chính mình. Vì đang trong hình tướng loài người nên tôi cũng có khuynh hướng phải trải nghiệm stress. Có một hôm, khi tôi đang nghĩ đến việc phải xây dựng trường học cho ni chúng, một trường ở Ladakh, một trường ở Nepal, và xây trường học mới cho chư tăng ở Ladakh và Sikkim. Tôi nghĩ ngợi, lo lắng và tính toán. Suốt cả một ngày tôi hoàn toàn chẳng làm được gì, chỉ lo lắng, nghĩ ngợi và tính toán ngân sách rồi tự mình gây stress. Đến cuối ngày, tôi kiểm lại những gì mình làm trong ngày. Tôi chẳng làm được gì cả ngoài việc lo lắng và căng thẳng. Thế là chẳng thành tựu được gì và đã uổng phí trọn một ngày.

Để mắc vào stress là một sự lãng phí thời gian và nó thực sự là một sát thủ. Thay vì bỏ phí thời giờ vì bị stress, bạn có thể thư giãn và thực hành Ngondro, Guru Yoga và thiền định bất cứ khi nào bạn cảm thấy stress và bế tắc không tìm ngay được giải pháp. Nếu bạn hiểu biết về đạo tâm và tâm bạn đã được luyện rèn qua việc tu tập Ngondro, Nyungnay, Guru Yoga, v.v… thì dù thế giới có sụp đổ, thị trường chứng khoán có đổ vỡ, hay công việc kinh doanh của bạn có thất bại thì bạn vẫn sẽ an ổn. Bạn vẫn sẽ không sợ hãi và can đảm sống một cuộc đời đầy hoa trái và lợi lạc. Trong trường hợp nếu quyết định tiếp tục công việc kinh doanh thì bạn sẽ không hề nản chí, thay vào đó bạn sẽ có dũng khí và tự tin hơn bởi vì bạn ngộ ra được lý vô thường, ngộ ra được thân người là quý giá, ngộ ra ý nghĩa của khổ đau và không dính mắc. Bạn sẽ giải thoát khỏi stress và đạt được chân hạnh phúc bởi lẽ niềm hạnh phúc chân chính này bắt nguồn từ nội tại chứ không lệ thuộc vào ngoại duyên.

Tôi hy vọng những đạo hữu và đệ tử nào đã ngừng tu tập Ngondro hay những pháp tu khác hãy trở lại tiếp tục tu tập. Một điều vô cùng quan trọng là sự tu tập tâm linh không được bị bể vỡ. Đạo tâm chính là căn bản của cuộc sống và hạnh phúc. Không có đạo tâm, tôi có thể nói với bạn rằng nhất định bạn sẽ bị nhấn chìm trong stress và những xúc não buồn vui dao động bất an. Thông qua tu tập hàng ngày, đạo tâm sẽ giúp bạn vững vàng trong cuộc sống và đó chính là giải pháp tốt nhất đối trị lại stress.

Tôi tìm thấy một số tranh hoạt hình rất ngộ nghĩnh nên đăng lên bài viết này cho thêm phần thú vị.

Nguồn: Stress, Drukpa.org

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,032,812
Số người trực tuyến: