Chuyển hoá Tâm - chuyển hoá Nghiệp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chuyển hoá Tâm - chuyển hoá Nghiệp

1276
05/01/2017 - 09:00
Đối với người thực hành Phật pháp, chuyển hóa nghiệp cần bắt đầu từ sự chuyển hóa tâm. Mọi việc làm của chúng ta, dù thiện hay ác, đều bắt nguồn từ tâm, đều do tâm là chủ thể sai khiến.

Trong Phật giáo, chúng ta có Tam Thừa: tuy cách thức, phương pháp thực hành khác nhau, song đều có tầm quan trọng như nhau: thân lá cây bắt đầu từ gốc rễ, hết thảy giáo pháp đều bắt nguồn từ Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng Tam thừa Phật giáo và với tám vạn bốn ngàn phương pháp thực hành, song tựu chung tinh túy giáo pháp của Ngài đều gồm 3 điểm chính: không làm tất cả các điều ác hay tạo nghiệp bất thiện, làm các điều thiện tích lũy công đức và rèn luyện tâm mình để nhận ra bản chất Phật tánh. Dù tu tập các pháp môn khác nhau như tụng Kinh Đại thừa, trì chân ngôn, thiền định hay ngay cả tu tập Sáu pháp Yoga, tất thảy đều hướng tới 3 điểm cốt yếu này.
 
(Các thiện hạnh phóng sinh, đúc chuông, cầu siêu được tổ chức tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)
 
Nền tảng giáo Pháp dựa trên quy luật nghiệp, nên khi nói tới nhân quả, mọi thứ đều không nằm ngoài 3 tinh túy trên. Đức Phật Thích Ca từng dạy rằng, những gì chúng ta có trong cuộc đời này, dù khổ đau, hạnh phúc, thành công, thất bại… đều không phải do trời, không phải tự nhiên, không phải may mắn hay tai nạn, cũng không có một đấng sáng tạo nào định đoạt số phận của chúng ta. Sẽ không thể có sự may mắn hay bất hạnh theo kiểu chỉ cần nhắm mắt lại, rồi cuộc sống của chúng ta được trường thọ hay đoản mạng. Đức Phật dạy rằng, mọi điều xảy ra trong cuộc sống bắt nguồn từ sự tích lũy nhân quả của chúng ta trong nhiều đời trước, ngay cả đời này chúng ta vẫn đang tiếp tục tích lũy. Nếu tin vào đấng sáng tạo, bạn sẽ không tôn trọng quy luật nghiệp, sống bừa bãi buông thả, tha hồ tạo nghiệp, cho rằng chỉ cần khiến đấng tạo hóa được hài lòng thì muốn gì cũng được. Nếu tin vào vận may, bạn sẽ nghĩ rằng nghiệp không quan trọng. Song không phải như vậy, chúng ta tin vào quy luật nhân quả, nên đối với chúng ta nghiệp rất quan trọng, chúng ta dùng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình để tích lũy nhân lành, chuyển hóa cả đời này và nhiều đời sau.
 
 
Lấy thí dụ chúng ta bị ốm. Nếu là người tin vào đấng sáng tạo ở bên ngoài định đoạt số mệnh của mình, thì việc gì chúng ta phải tới bệnh viện, khi chỉ có Ngài mới quyết định sinh mạng chúng ta sẽ tiếp tục hay dừng lại ở đây ngày hôm nay. Nếu tới bệnh viện thì liệu có gì thay đổi? Nếu bạn tin vào vận may thì đến bệnh viện để làm gì? Hãy để vận may quyết định. Như vậy chỉ riêng việc tới bệnh viện khám đã cho thấy chúng ta có lòng tin vào nhân quả, chúng ta biết mình đang bị ốm vì một nguyên nhân nào đó. Đối với Phật tử, chúng ta nói ốm đau là do những nguyên nhân bên trong và bên ngoài. Nguyên nhân bên trong là do những xúc tình và nghiệp tiêu cực. Nguyên nhân bên ngoài là do sự mất cân bằng trong cơ thể, do thực phẩm, khí hậu, môi trường ô nhiễm, cộng thêm nghiệp xấu.
Vì vậy, những người theo đạo Phật vẫn tin vào việc đi bệnh viện để uống thuốc, điều trị bệnh tật, như vậy cũng có nghĩa là chúng ta tin vào nhân duyên bên ngoài và bên trong gây nên bệnh. Nguyên nhân bên ngoài có thể dùng thuốc để đối trị, song bên cạnh đó, chúng ta không nên bỏ qua nhân duyên bên trong.
Đó là do nhân duyên bên trong khác nhau đã khiến thuốc có thể đối trị được nhân duyên bên ngoài hay không. Cuộc sống không được hình thành theo một công thức, mà theo nhiều công thức rất khác nhau. Chẳng hạn như trong một cốc trà sữa, tuy đều có thành phần từ nước, sữa, đường, trà, nhưng thành phần khác nhau thì hương vị cốc trà cũng khác nhau. Do đó, có thể hai người cùng mắc bệnh, nhưng triệu chứng thể hiện ra bên ngoài đôi khi rất khác nhau. Dù cùng theo một bác sỹ, uống cùng một toa thuốc, kết quả một người khỏi, người kia thì không, bởi chữa bệnh chỉ là nhân duyên để điều trị triệu chứng bên ngoài.
 
 
Ngày nay, ngay cả y học Tây Phương cũng cho rằng có sự liên hệ vô cùng mật thiết giữa thân và tâm. Khi thiền định hay tụng niệm, nhịp tim, mạch đập và hơi thở của chúng ta chậm lại. Khi chúng ta nổi sân, tim và mạch đập nhanh, mặt đỏ bừng, cơ thể sẽ sản sinh một loại axit có thể gây đau dạ dày hoặc ung thư dạ dày, đó là theo quy luật nghiệp. Nói như vậy để thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thân và tâm, thấy được tâm và nghiệp tác động tới thân của chúng ta như thế nào. Chính chúng ta tạo nên nghiệp và những gì xảy đến trong cuộc đời mình. Vì vậy nghiệp vô cùng quan trọng. Để thân tâm được an lạc, gia đình hạnh phúc, không chỉ trong đời này mà trong các đời sau, chúng ta cần chú trọng tới nghiệp và quy luật nhân quả.
 
(Chương trình trao quà từ thiện cho học sinh nghèo vượt khó của chư Ni Tây Thiên và Câu Lạc Bộ Tuổi trẻ Thăng Long YDA Việt Nam)
 
Đối với người thực hành Phật pháp, chuyển hóa nghiệp cần bắt đầu từ sự chuyển hóa tâm. Mọi việc làm của chúng ta, dù thiện hay ác, đều bắt nguồn từ tâm, đều do tâm là chủ thể sai khiến. Ví dụ khi chúng ta uống cà phê, đầu tiên do tâm nói muốn uống cà phê, khiến chân chúng ta bước đi, tay lấy cốc cà phê. Nếu tâm nói không uống cà phê, lẽ dĩ nhiên chân và tay chúng ta sẽ không làm như vậy. Nếu tâm bảo muốn đi Mỹ, chúng ta sẽ đi mua vé máy bay và ngồi suốt 24 giờ để sang được Mỹ. Vì sao vậy? Vì tâm sai bảo khiến mình nảy sinh tham muốn. Như vậy nghiệp tiêu cực cũng bắt nguồn từ tâm, nghiệp tích cực cũng nảy sinh và do tâm tác động. Nếu không chuyển hóa tâm, bạn sẽ không thể thường xuyên thực hành thiện nghiệp và tạo nhân duyên tốt lành. Chuyển hóa tâm chính là tiến trình chuyển hóa nghiệp.
Chúng ta tích lũy nghiệp, dù thiện hay ác, đều theo ba đường: thân, khẩu và ý. Chính ba đường này sẽ dẫn chúng ta tới giác ngộ hay đọa lạc. Như vậy sự chuyển hóa tam nghiệp này vô cùng thiết yếu.
 
Khi thực hành thiền định, thân chúng ta không mơ màng, không ăn uống, không dối lừa, không gây tổn hại tới ai. Thân chúng ta ngồi theo đúng tư thế, do vậy tự nhiên đã ngăn ngừa chúng ta phạm nghiệp bất thiện. Khi trì chân ngôn, chẳng hạn Om Mani Padme Hung, tâm chúng ta nhậm vận chẳng oán ghét hay sân hận người khác, miệng chúng ta nhậm vận tán tụng danh hiệu Phật, tâm chúng ta nhậm vận được an lạc, tích cực, vô ngã và sinh thiện nghiệp. Cũng như vậy, khi sám hối chư Phật, tâm chúng ta không chứa đựng xúc tình tiêu cực, tự nhiên tràn đầy thiện cảm. Tóm lại, khi thiền định, tự thân khẩu ý chúng ta tích lũy thiện nghiệp rất tự nhiên, tâm của chúng ta được thanh tịnh và chuyển hóa, đây chính là cách chúng ta điều phục tâm mình nhờ sự thực hành. Nếu bạn thường xuyên than vãn, mắng mỏ mọi người thì bạn sẽ trở nên thuần thục, bất cứ việc gì cũng có thể khiến bạn than vãn, mắng mỏ người khác. Chỉ có sự thiền định mới có thể giúp bạn chuyển hóa tập khí xấu này. Nếu chúng ta thực hành đều đặn, theo ngày tháng chúng ta sẽ chuyển hóa tâm.
 
 
Như vậy cả Tam Thừa đều giống nhau về giáo lý tôn trọng nhân quả, không hề có sự phân chia khác biệt, chỉ khác nhau về cách thực hành điều phục tâm, mỗi Thừa có những phương tiện riêng. Riêng trong Kim Cương có vô số phương tiện và pháp thực hành khác nhau: trì chân ngôn, quán tưởng, lễ lạy hay tu tập Yoga, nên Kim Cương Thừa còn được gọi là Truyền thừa Phương tiện Thiện xảo, với vô số phương pháp để giúp bạn đào luyện tâm. Điều quan trọng vẫn là tinh túy của các phương tiện này đều nhằm chuyển hóa tâm, nên dù bạn có hỏi bất cứ bậc Thầy Nguyên Thủy, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa rằng nếu muốn chuyển hóa cuộc sống, phải chăng cần tích lũy công đức, cần chuyển hóa nghiệp và điều phục tâm, các Ngài sẽ có cùng một câu trả lời: “Đúng vậy”. Vô số phương tiện khác nhau song đều chung câu trả lời, chung một con đường.
Có rất nhiều phương pháp thực hành giúp chúng ta rèn luyện và chuyển hóa tâm, chẳng hạn Nguyên thủy Phật giáo chú trọng giới luật, người xuất gia phát nguyện trì giữ giới luật tinh nghiêm, bởi giới là nền tảng giúp tâm được chuyển hóa. Đại thừa Phật Giáo nhắc nhiều tới Bồ đề tâm và lòng vô ngã vị tha, bởi lẽ khi bạn mang tâm từ bi vô ngã, bạn sẽ không thể đồng thời chứa đựng trong tâm những xúc tình tiêu cực như sân giận, ganh ghét, tham lam. Như vậy mục đích cũng nhằm chuyển hóa tâm. Trong Kim Cương thừa, các phương pháp tu tập quán tưởng, an trụ trong tính không cũng nhằm giúp chúng ta nhận ra bản chất thật của tâm. Như vậy cả Tam thừa Phật giáo dù phương tiện tu tập khác nhau nhưng đều giúp chúng ta chuyển hóa tâm và nhận ra Phật tính nơi chúng ta.
 
 
Vậy câu hỏi đặt ra là khi tâm chúng ta chuyển hóa, liệu chúng ta có trở thành người tốt hơn trước? Đôi khi chúng ta cho rằng mỗi người đều có bản tính, chẳng hạn như có những người tính tình nóng nảy, dễ sân giận. Liệu một người dễ sân giận có phải là một người có bản tính tồi tệ? Nếu quả thật bản tính vốn tự nhiên cố hữu, thì chuyển hóa nghiệp sẽ chẳng có tác dụng gì. Nếu một vật có màu đen cố hữu, liệu tẩy rửa vật đó có làm màu đen chuyển được sang màu trắng? Nếu thực sự màu đen là bản chất thì cho dù có giặt tẩy bao nhiêu cũng không thể nào biến màu đen thành màu trắng. Do vậy nếu thực sự bản chất tâm là sân giận, sẽ chẳng có cách nào, dù chuyển hóa nghiệp cũng không thể làm thay đổi bản chất tâm. Song thực tế, bản chất tâm chúng ta là gì? Tâm vốn tích cực hay tiêu cực?

Có thể ví tâm chúng ta giống như pha lê, vô cùng trong sáng tinh khiết. Vì vậy nếu đặt pha lê cùng sắc đen, pha lê sẽ chuyển sắc đen, nếu đặt cùng màu xanh dương sẽ chuyển sắc xanh dương, nếu để cùng màu xanh biển sẽ chuyển sắc xanh biển. Vì sao pha lê lại có chuyển thành nhiều màu như vậy? Chính bởi tự thân pha lê trong trẻo không màu sắc, nên có thể chuyển tải nhiều màu sắc khác nhau. Cũng như vậy, tâm của chúng ta có thể chứa đựng nhiều cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, đố kỵ, từ mẫn, có nghĩa là do tâm không thanh tịnh, trong trẻo. Bản chất thanh tịnh của tâm chỉ có thể hiển lộ nhờ sự thực hành tu tập, chuyển hóa, tích lũy công đức và đón nhận ân phúc gia trì.
 
 
Do vậy sự thực hành Phật giáo giúp chúng ta có thể hiển lộ bản chất thanh tịnh của tâm. Những xúc tình phiền não, đố kỵ, hạnh phúc không phải là tự tính của tâm, bởi nếu đố kỵ là tự tính tâm thì bạn sẽ luôn đố kỵ, nếu buồn rầu là tự tính tâm thì bạn sẽ mãi buồn rầu. Song hiện tượng tâm lúc vui buồn, lúc đố kỵ sân giận chứng tỏ tất cả những xúc tình này đều không phải là bản chất của tâm. Do tập khí vô minh, thiếu hiểu biết tích tũy từ nhiều đời, kết hợp với nhân duyên bên ngoài khiến những xúc tình phiền não như đố kỵ, sân giận phản chiếu trong tâm, song tự tính tâm vốn không tiêu cực, siêu việt tất cả mọi xúc tình, thanh tịnh vô nhiễm. Tự tính tâm thanh tịnh đó được gọi là Phật tính. Nếu nhận ra bản chất tâm giác ngộ thì chúng ta là Phật, khi không nhận ra thì vẫn là chúng sinh. Khi tôi còn nhỏ, nghe các bậc Thầy khai thị về Phật tính, tôi cứ nghĩ rằng có một Đức Phật ở trong tim mình và mọi người, ai cũng có. Cùng với sự tu học, tôi hiểu ra Phật tính chính là Dharmakya (Pháp thân) và Dharmakaya chính là Sunyata (Tính không). Trong mỗi chúng sinh đều là Synyata, vì vậy nên tất cả chúng sinh đều có Phật tính.

(Trích Khai thị từ Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong chuyến viếng thăm Việt Nam, 5/2014)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,937
Số người trực tuyến: