Khám phá thế giới với Tâm Từ bi | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Khám phá thế giới với Tâm Từ bi

274
16/06/2016 - 23:54
Chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia

 

Bhutan - một Vương quốc Phật giáo nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya, giữa hai nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Vài năm trước đây, Bhutan đã đưa ra một sáng kiến rất ý nghĩa và cảm hứng: đo lường sự thành công của đất nước không phải bằng chỉ số “tổng sản lượng quốc gia” mà bằng chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia”. Theo ý tưởng này, các chương trình của chính phủ được đánh giá trên cơ sở niềm hạnh phúc (thay vì lợi ích kinh tế) mà chương trình đó mang lại cho nhân dân. Mục tiêu của chương trình là tạo ra những điều kiện tốt hơn cho “sự mưu cầu hạnh phúc”. Công cuộc cải cách bắt đầu bằng sự thoái vị tự nguyện của Đức vua được nhân dân tôn kính rồi toàn dân tiến hành bầu cử lựa chọn đội ngũ lãnh đạo đất nước. Thể chế dân chủ sẽ trao trách nhiệm cho mỗi cá nhân vì điều này có mối liên hệ mật thiết với hạnh phúc của cả đất nước. Các chương trình cải cách hướng tới sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của cộng đồng và cả những kỹ năng như sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Tuy không giống các chương trình cải cách thường thấy nhưng ở đây tất cả các lĩnh vực thiết yếu cho hạnh phúc và cuộc sống hiện đại đều được chú trọng. Thử nghĩ xem, việc mọi người sử dụng thời gian như thế nào quan trọng hơn họ sử dụng tiền bạc ra sao chứ? Hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng được ưu tiên hàng đầu vì nó đem lại lợi ích tức thì cho xã hội: tội phạm giảm sút, người già và khuyết tật được chăm sóc tốt hơn, mọi người sống trong tình tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ.


 

“Kể từ khi hạnh phúc biết tên bạn, nó đã đuổi theo và luôn cố gắng tìm được bạn” ~ Hafiz, thi hào Ba Tư

 

Liệu có phải hạnh phúc thường đến vào lúc ta không mong chờ? Chúng ta thường cố tỏ ra tích cực vui vẻ, nhưng trên thực tế, cuộc sống luôn gồm hai mặt: cả hạnh phúc lẫn khổ đau, niềm vui và nỗi buồn. Nếu chưa từng khổ đau làm sao chúng ta biết được hạnh phúc? Hôm nay chúng ta cảm thấy ổn ư? Điều đó rất tuyệt! Song nếu không được như vậy thì đã sao? Đừng tự lừa dối bản thân mà hãy trung thực suy ngẫm về những thăng trầm trong cuộc sống hay nơi nội tâm, và không nên che dấu ngụy tạo hoàn cảnh cùng tâm trạng. Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế là chúng ta vẫn che giấu nhiều điều một cách ý thức hoặc vô thức. Chúng ta không quán chiếu dòng tư tưởng của chính mình mà chỉ để ý một cách hời hợt. Điều này dẫn đến tình trạng ta không hề “biết mình” mà cũng chẳng thể nào hiểu được người khác!


Có lần trong một buổi pháp thoại, người ta hỏi tôi làm sao chúng ta có thể “suy nghĩ tích cực” trong khi vẫn chấp nhận bất cứ điều gì, thậm chí sẵn sàng cho kịch bản của những điều tồi tệ nhất? Làm sao mà “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra” lại là “tích cực” được nhỉ? Tôi nghĩ rằng cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực để ta có thể luôn suy nghĩ tích cực. Nhưng chúng ta phải thành thật với mình. Những điều tồi tệ vẫn xảy ra trong cuộc sống, chuyện buồn cũng vậy. Mọi thứ đều vô thường, chỉ có điều chắc chắn duy nhất là cái Chết. Vậy chúng ta không nên né tránh hay đè nén những lo lắng phiền muộn mà nên tìm có cái nhìn trực diện và trí tuệ về chúng. Rèn luyện tâm trí để sẵn sàng đón nhận mọi điều khác với sự bi quan và điều đó cũng không có nghĩa  chúng ta mong chờ điều tồi tệ nhất. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn vấn đề này ở phần sau. Lúc này, tốt nhất bạn hãy tập sống mà không mong chờ nhiều vì chúng giống như một loại xiềng xích vô hình. Sự chuẩn bị tốt nhất là chúng ta cứ nỗ lực làm tốt việc hôm nay và đừng cố gắng dự đoán những gì chưa xảy đến!


 

“Nếu chưa từng đau khổ, bạn chưa thiền” ~ Ajhan Chah, Thiền sư

 

Đức Phật gọi những thăm trầm của cuộc đời là “vòng luân hồi của khổ đau”. Mới nghe thì có vẻ bi quan nhưng ta nên nhìn thẳng vào sự thật hơn là tự lừa dối mình và vờ như mọi thứ đều hoàn hảo. Với cách đó, chắc chắn ta sẽ chỉ chuốc thêm thất vọng. Chúng ta cũng dễ bị rơi vào thói quen lãng phí quá nhiều thời gian để ý tới “mặt trái” của cuộc sống. Người ta cho rằng than trách là cách tốt nhất hoặc không làm như vậy có nghĩa mình đang kìm nén cảm xúc. Khi mọi người nói như vậy, tôi luôn im lặng, chỉ mỉm cười mà không tranh luận. Tôi đồng ý rằng chúng ta nên thẳng thắn và thành thật, nhưng câu hỏi đặt ra là những cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu? Những lời ca thán khó chịu cứ chất chồng lên để rồi những điều tốt đẹp bị che lấp khiến chúng ta không còn biết nhận ra và trân quý cuộc sống nữa.


Khi thực sự chú tâm dành chút thời gian quán chiếu những xúc tình tích cực và tiêu cực mỗi ngày, ta sẽ thấy tâm từ bi phát khởi một cách tự nhiên nhậm vận. Ta không còn dằn vặt bản thân, trốn chạy những lỗi lầm bất hạnh mà biết xả bỏ và tìm thấy các bài học từ chúng. Khi hiểu mình hơn, ta sẽ kiếm tìm sự tương đồng thay vì săm soi điều khác biệt. Nhờ đó nhận ra rằng đối tượng khiến mình phiền não cũng nếm trải những muộn phiền nội tâm. Lòng từ bi không tới ào ạt một lúc như con sóng lớn, nhưng khi ta biết nuôi dưỡng niềm tri ân đối với mọi mặt cuộc sống, chúng ta sẽ trải nghiệm sự cảm thông, tự thấy hiểu mình và hiểu người hơn trước.
 

 

 

“Hãy từ bi với chính bạn và quán sát
Hôm nay, ngày mai và mãi mãi”
~ Đức Phật


Nhìn lại mỗi ngày
 

Hãy nằm xuống, nhắm mắt, đặt bàn tay lên trái tim và tự hỏi mình “Hôm nay đã xảy ra những việc gì?”. Để dòng tâm thức chảy qua trái tim và bạn sẽ cảm nhận niềm hứng thú muốn tiếp tục lắng nghe câu trả lời từ nội tâm. Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này? Hãy thẳng thắn nhìn lại những gì mình đã trải qua. Tôi không khuyên các bạn tô hồng mọi thứ, chỉ cần biết chấp nhận mọi việc như chúng hiện hữu. Cuộc sống đôi khi cho ta những phút giây vui vẻ, nhưng cũng lại đi kèm những giờ phiền não. Thành thật với mình là điều quan trọng nhất, hãy khám phá thế giới cảm xúc của bạn với tâm từ bi, biết chấp nhận bản thân và không phán xét. Bạn thực sự cần hiểu căn nguyên mọi thứ đang diễn ra. Cuộc sống là một chuỗi hàng loạt trải nghiệm khác nhau; nếu có thể quán chiếu những kinh nghiệm này bằng tâm từ bi bao dung, không đổ lỗi, e ngại hay giận dữ, bạn sẽ hiểu bản chất của mọi vấn đề cũng như cách chúng hình thành sinh diệt.


Thân người quý giá
 

Thân thể của bạn cũng giống như con thuyền và nhiệm vụ của bạn là chèo lái chiếc thuyền theo dòng chảy cuộc sống. Bạn cũng có thể coi thân thể như nhà khách ven đường. Thiếu nó, bạn khó lòng tiến bước trên hành trình nhưng cũng đồng thời không thể mang nó mãi theo mình, đến lúc nào đó bạn sẽ gửi trả xác thân về với tứ đại. Vì thế, hãy biết trân trọng thân người, không chỉ tấm thân mình mà còn của vạn loài hữu tình. Việc chăm sóc tốt sức khỏe của mình, chăm lo cho sức khỏe mọi người là cách bạn thể hiện điều đó.
Tuy nhiên, có vẻ như từ rất lâu, chúng ta đã đánh mất sự kết nối với thân thể mình. Không những không quý trọng, ta còn thường bất mãn hoặc hoặc coi tấm thân là thứ đương nhiên, chẳng cần bận tâm chăm sóc. Trong một xu hướng ngược lại, ta tuyệt vọng chống lại quá trình lão hóa tự nhiên mà quên rằng cơ thể cũng như cuộc sống vốn luôn sinh diệt trong mỗi phút giây, như con suối dòng sông, luôn liên tục đổi thay, tuôn chảy. Sự thiếu quan tâm với thân thể thể hiện rõ qua mối liên hệ giữa sức khỏe và thực phẩm. Từ phương Đông sang phương Tây, chúng ta đều biết mối liên hệ này nhưng chứng béo phì vẫn ngày một phổ biến, nhất là ở các quốc gia phát triển. Dường như chúng ta không bận tâm đến mối liên hệ giữa thân người quý giá và các nguồn thực phẩm nuôi dưỡng thân người này. Mặc dù đồ chúng ta ăn đều ít nhiều đến từ thiên nhiên nhưng “hàm lượng tự nhiên” lại chẳng còn nhiều. Chúng đã qua bao nhiêu công đoạn chế biến chỉ với mục tiêu làm chúng ta khoái khẩu mà không hề quan tâm đến sức khỏe hay lợi ích đối với cơ thể!

 

 

Chúng ta cũng chưa thực sự biết cách thưởng thức thức ăn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng giữa vườn cà chua chín đỏ. Nếu có thể hái lấy một quả và nếm vị ngọt mọng nước, bạn sẽ thấy các giác quan như thức dậy và chắc chắn bạn sẽ tri ân món quà kỳ diệu bổ dưỡng mà thiên nhiên đã ban tặng cho ta. Rất nhiều người cảm thấy không có đủ thời gian để ngồi xuống và ăn uống một cách đàng hoàng thảnh thơi, để rồi vừa ăn vừa chạy, ăn trong xe hơi, trên bàn làm việc, vừa ăn vừa điện thoại hoặc nhắn tin. Khi ăn trong lơ đãng, chúng ta thậm chí còn không biết mình đã no hay chưa. Tóm lại, chúng ta ăn uống vì nhiều lý do khác nhau chứ không phải để chăm sóc thân người quý giá. Ta tìm kiếm sự sung sướng và nguồn an ủi trong thức ăn. Đương nhiên là thực phẩm có thể đem lại niềm vui, nhưng chỉ khi ta thọ dụng một cách tỉnh thức chứ không phải ăn một cách tham lam ngấu nghiến.


Kết nối thân - tâm
 


 

Cơ thể bạn là một cỗ máy tạo ra những điều phi thường. Bạn cần biết tất cả các hoạt động thân thể, những gì chúng ta thực hiện hàng ngày như hít thở, đi lại, nói năng, cảm nhận cuộc sống qua các giác quan,… đều có tác động và tạo nên sự kết nối trực tiếp với “tâm”. Tim bạn đập nhanh hơn khi thấy bóng dáng người yêu, bạn sảng khoái dễ chịu sau giờ luyện tập thể thao, thấy ấm áp trong vòng tay bè bạn... Ở chiều ngược lại, hãy quán chiếu ảnh hưởng trái ngược của trạng thái căng thẳng và sự thư thái lên thân thể mình! Khi biết trưởng dưỡng các giác quan và đặt tâm trong trạng thái cởi mở an lạc, bạn sẽ thực sự cảm nhận ân hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, thấy hạnh phúc khi lắng nghe âm thanh thế giới xung quanh và cả tiếng nói nội tâm nơi chính mình.


Từ buổi đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của cuộc hành hương, tôi đã phải đấu tranh với rất nhiều trở ngại. Giờ đây tôi có thể tự hào nói rằng sau vài tuần vật lộn với thử thách, tôi đã chiến thắng. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã bị đau bụng, thậm chí đến ngày hôm qua cơn đau vẫn dữ dội. Nó hành hạ tôi suốt ngày đến nỗi tôi không thể nhìn ra xung quanh trên chặng đường đi. Nếu làm thế, tôi cảm thấy mình sẽ quỵ xuống và vì vậy tôi cứ phải hướng mắt về phía trước. Những lúc tôi thử quay đầu ngắm cảnh đẹp hai bên đường, ngay lập tức tôi sẽ thấy mình loạng choạng như một chú gà mới chui ra khỏi trứng.


Chúng tôi vẫn duy trì khóa lễ thường nhật ở ngoài trời dưới nhiệt độ âm 15 độ C. Không chỉ tôi mà tất cả các đạo hữu xung quanh đều nói rằng ngón tay và mũi mình mất cảm giác, môi họ thậm chí còn không đủ sức mấp máy để tụng kinh vì nhiệt độ quá lạnh. Tôi cũng lạnh cóng nhưng tất cả chúng tôi đã vượt qua cái lạnh này. Nhờ có ông Rigzin và Lotus, khó khăn của chúng tôi được trút bỏ rất nhiều. Bất cứ khi nào chúng tôi run lên vì lạnh thì thật kỳ diệu họ lại xuất hiện với bình trà sữa nóng. Hạnh phúc biết bao khi giữa tiết trời rét đậm rét hại lại nhìn thấy bình trà ngút khói này. Tôi nhìn thấy nụ cười trên môi mọi người trong giá buốt. Chúng ta vẫn cho rằng được uống trà là điều gì đó rất bình thường, nhưng trong những ngày này, dưới cái lạnh cóng âm 15 độ C và trên độ cao 5000 mét, chúng tôi trân trọng và nhâm nhi từng ngụm trà. Tôi không biết cảm ơn ông Rigzin và Lotus thế nào cho đủ vì đã luôn chăm lo cho chúng tôi đúng lúc. Bây giờ khi ngồi trong căn phòng tiện nghi, tôi có thể nói rất thật rằng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu được sống lại những thời khắc đáng nhớ đó.

 

Nếu biết tri ân thân người quí giá, bạn cũng sẽ tri ân trái tim và tâm hồn đẹp đẽ này. Bạn hãy dành thời gian chăm sóc bản thân để có thể bắt đầu ngày mới một cách đầy sinh lực. Hãy nhớ khi cơ thể được chăm sóc thì tâm trí đồng thời thoải mái, toàn bộ năng lượng trong người bạn sẽ cân bằng, thư thái. Tuy nhiên, việc trân trọng và chăm sóc cơ thể không có nghĩa là chúng ta bám chấp vào vẻ đẹp hay sức mạnh của nó bởi đây là nguồn gốc của những rắc rối. Liệu cả ngày ngắm nghía mình trong gương có làm cho chúng ta hạnh phúc? Ngày mai đây, khi sức khỏe tàn lụi, nhan sắc héo tàn, chúng ta sẽ sống trong phiền não hoài vọng chỉ bởi đã quá bận tâm tới vẻ bên ngoài phù phiếm mà quên đi sự vô thường nơi thân tâm. Cách thức đúng đắn để trân trọng và chăm sóc thân thể là hãy duy trì một cuộc sống lành mạnh, trưởng dưỡng thế giới nội tâm để sức khỏe và hạnh phúc lan tỏa rạng ngời qua ánh mắt, nụ cười và từng tương tác của bạn ra bên ngoài thế giới.
 
Trích ấn phẩm "Giác ngộ mỗi ngày" ~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,220
Số người trực tuyến: