Lý giải những sự kiện quan trọng cuộc đời Đức Phật lại gắn với thiên nhiên cây cỏ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Lý giải những sự kiện quan trọng cuộc đời Đức Phật lại gắn với thiên nhiên cây cỏ

293
28/06/2022 - 17:46

Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật diễn ra ngoài trời trực tiếp với thiên nhiên và những lời dạy của Ngài được ghi trong kinh điển là bài học quý giá về bảo vệ môi trường.

Đức Phật đản sinh dưới cây Vô Ưu

Khi ra đời, vì ngẫu nhiên trùng hợp hay có chủ đích, Đức Phật đản sinh dưới cây Vô Ưu (Saraca indica) tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Đây là một sự kiện lịch sử dù cho nó được giảng giải theo cách huyền sử hay chính sử.

Trước khi thành đạo, Đức Phật cũng được xác nhận là đã dành khoảng thời gian ngồi thiền định dưới cây được gọi tên là Bồ-đề (peepal/Bodhi). Sống dưới gốc cây và tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên là trải nghiệm thực tế sâu sắc của Đức Phật với môi trường. Có lẽ vì thế mà Đấng Giác ngộ có kinh nghiệm về môi trường hơn bất cứ đấng giáo chủ nào khác.

Đức Phật chọn Vườn Nai cho lần thuyết pháp đầu tiên

Giáo lý Duyên khởi được Đức Phật giảng dạy có thể xem là một minh chứng thuyết phục. Sau khi thành đạo, Đức Phật chủ đích thuyết pháp mà danh từ thuật ngữ gọi là chuyển pháp luân tại vườn Nai (Sanarth). Lại một lần nữa Đức Phật chọn vị trí thiên nhiên để khởi đầu sự nghiệp của mình. Tại sao Đức Phật không chọn địa điểm “khởi nghiệp” của mình tại một nơi có đông hội chúng mà lại là nơi vườn Nai? Với trí tuệ siêu việt sau khi chứng tam minh,có thể nói rằng Đức Phật sẽ thành công bất cứ nơi nào nếu Ngài đến thuyết pháp.

Tuy nhiên, Đức Phật lại chọn nơi thiên nhiên. Về vấn đề này, chúng ta chỉ có thể suy luận rằng việc chọn vườn Nai là chủ đích của Đức Phật khi Ngài quán chiếu thấy rõ trình tự thuyết pháp độ sinh thích hợp.

Đức Phật Niết bàn tịch diệt trong rừng cây Sala tại xứ Kushinagar

Cuối cùng, khi Niết-bàn tịch diệt Đức Phật tiếp tục chọn địa điểm ngoài trời chứ không phải trong tịnh thất hay tinh xá. Địa điểm ấy là rừng cây Sala tại xứ Kushinagar. Một sự ra đi tự nhiên nhưng rất trang nghiêm nơi rừng cây xanh ngát. Bốn địa điểm này được ghi trong kinh Đại bát Niết-bàn thuộc kinh Trường bộ là bốn Thánh tích cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính bởi các đệ tử và tín chúng. Đức Phật cũng nói với Ananda rằng “Những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.

Đức Phật đã thấy rõ quy luật tương sinh tương diệt nên đã sống bảo vệ thiên nhiên môi trường. Từ nhân bảo vệ môi trường dẫn đến kết quả môi trường trong sạch lành mạnh. Môi trường tốt ấy giúp cho đời sống của Tăng đoàn thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần.

Đạo Phật khi đề cập tới vấn đề môi trường sinh thái luôn nhấn mạnh đến các thái độ hành vi rất sâu sắc liên quan đến toàn thể vũ trụ. Điều quan trọng nhất là đạo Phật luôn nhấn mạnh rằng thế giới bên ngoài hoàn toàn không tách biệt đối với mỗi con người.

(Mai An lược ghi

Nguồn: www.phatgiao.org)

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,644
Số người trực tuyến: