Cuộc Hạnh ngộ với Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cuộc Hạnh ngộ với Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche

2194
28/12/2015 - 08:21

Chúng tôi có thiện duyên được gặp Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche hiện đời (đời thứ II) trong khóa nhập thất mười bốn ngày Vajra Kilaya ở Drukpa Plouray - Paris vào tháng 8 năm 2003. Michael Kern, thay mặt cho tạp chí “Thiên Long” phỏng vấn Rinpoche về một số chủ đề đơn giản nhưng rất thú vị. Ngài đã trả lời trực tiếp, cởi mở và đôi khi rất cảm động, đặc biệt là khi nói về mối quan hệ của Ngài với Căn bản Thượng sư là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời và Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche, người bạn tâm giao của Ngài. Tạp chí “Thiên Long” chân thành cảm ơn Drukpa Thuksey Rinpoche đã ban cho cơ hội quý giá để thực hiện cuộc phỏng vấn riêng cởi mở này. Chúng tôi nguyện cầu Rinpoche mọi sự đều viên mãn trong việc tu học tới đây của Ngài ở Bhutan. Nguyện cầu trong cuộc sống không có bất kỳ một chướng ngại nào đến với Ngài.


(Đại học tự viện danh tiếng Tango, Bhutan)

 

MỘT NGÀY TRONG SINH HOẠT THƯỜNG NHẬT CỦA NHIẾP CHÍNH VƯƠNG DRUKPA THUKSEY RINPOCHE

R: Chúng con rất thú vị khi được biết về sinh hoạt thường nhật của Rinpoche ở Dajeeling. Xin Ngài hãy nói về thời gian biểu một ngày của mình ở tự viện? Ngài thực hành nghi lễ cúng dường Puja, tu học và gia trì như thế nào? Ngài có thể cho biết chi tiết về một ngày của Ngài từ lúc thức giấc?

T : Hàng ngày, tôi thức dậy lúc 4h30 sáng và tu tập, trừ ngày chủ nhật. Ngày nào cũng vậy, thầy Giáo thọ đến giảng kinh lúc 6h sáng. Theo truyền thống Tây Tạng, chúng tôi phải học thuộc lòng rất nhiều và tất cả các môn. Ví dụ, chúng tôi phải học thuộc một trang kinh điển mỗi ngày. Vào lúc 6h khi thầy giáo thọ tới, tôi phải trả bài thuộc lòng không được xem trong kinh. Ngày nào tôi cũng phải học như thế. Thầy giáo thọ đầu tiên trong ngày dạy cúng dường Puja, tụng Kinh và một chút thiền định vì tôi chưa chuyên sâu về thiền. Thầy giáo thọ dạy từ 6h đến 8h sáng.

Sau đó tôi có nửa tiếng để dùng bữa sáng. Đến 8h30 Thầy giáo thọ triết học Khenpo Jigme tới ( “Khenpo” theo tiếng Tây Tạng nghĩa là Trụ trì) dạy triết học bao gồm những kinh điển thâm diệu. Môn học này khác với những môn học thuộc lòng các kinh điển và cúng dường Puja. Trong môn triết học, trước tiên tôi phải học từng từ, từng câu. Mỗi từ có đều nghĩa thâm diệu, đôi khi một từ lại có nhiều nghĩa và nó bao hàm nhiều điển tích khác nhau. Tôi phải hiểu nghĩa lý của tất cả kinh điển và các từ trong kinh điển đó. Nghĩa lý của kinh điển rất thâm sâu vi diệu, chỉ những bậc Khenpo mới có thể truyền dạy. Khenpo Jigme đến dạy tôi môn triết học đến 9h30. Tôi được nghỉ từ 9h30 đến 10h.

Đến 10h30, Thầy giáo thọ khác đến dạy tôi Thư pháp Tây Tạng. Theo truyền thống Tây Tạng, thư pháp hay chữ viết tay quan trọng hơn hội thoại. Trong tự viện, chư Tăng không học nhiều về thư pháp – họ chủ yếu học hội thoại. Theo truyền thống, việc đánh vần cũng như thư pháp Tây Tạng rất quan trọng, nó khó hơn tiếng Anh. Tôi học thư pháp từ 10h30 đến 11h30. Sau đó, tôi được giải lao 30 phút. Từ 12h đến 1h chiều, tôi dùng bữa trưa và đó là thời gian rảnh rỗi. Từ 1h đến 2h chiều, tôi học tiếng Anh. Những thầy giáo của tôi đến từ những Dự án GAP của Anh: truyền thống của sinh viên Anh thường được nghỉ một năm trước và sau khi học đại học để làm công tác tình nguyện ở một quốc gia khác. Tất cả những sinh viên nam, nữ từ chương trình GAP đều ở tuổi 18 hay 19, họ thường đến đây làm tình nguyện viên trước khi vào đại học. Hàng năm có hai thầy giáo tới để dạy tiếng Anh, mỗi người ở lại 6 tháng. Họ không những giảng dạy tại tự viện của chúng tôi mà còn ở những tự viện khác, có hơn mười giáo viên tiếng Anh ở Darjeeling. Phần lớn các tự viện ở miền nam Ấn và những vùng khác đều có giáo viên của GAP. Về lĩnh vực tiếng Anh, tôi đã học qua chín, mười giáo viên, họ đều đến từ nước Anh.


(Punakha Dzong tại Bhutan)

Môn tiếng Anh là môn học cuối cùng trong ngày. Từ 2h đến 4h chiều, tôi phải làm bài tập, không có gì đặc biệt cả. Từ 4h chiều tôi bắt đầu tu tập nghi quỹ cúng dường Mahakala, và tôi tự thực hành cúng dường ngay tại phòng riêng. Ngày nào cũng vậy, tất cả các chư Tăng đều tu tập nghi quỹ cúng dường Mahakala trong đại điện của tự viện, nhưng tôi không thường tham dự với họ vì tôi phải tu học, rất mất nhiều thời gian để đến đó. Tôi chỉ dự lễ cúng dường với chư Tăng vào những dịp lễ đặc biệt, ví dụ một số người bệnh thỉnh cầu tôi làm lễ cúng dường cầu nguyện cho họ. Tôi cũng dự những buổi lễ kỷ niệm và sinh nhật của một số Rinpoche. Thường thì tôi không tu đại chúng; tôi luôn giành một tiếng từ 4h đến 5h chiều để tu tập nghi quỹ cúng dường Mahakala ở mật thất riêng.

Từ 5 đến 6h chiều tôi làm bài tập, ăn tối lúc 6h sau đó nghỉ đến 7h. Từ 7h đến 8h30, tôi tiếp tục tự học, ngày nào tôi cũng học thuộc lòng kinh điển và thực tập Thư pháp Tây Tạng để kỹ năng viết chữ Tây Tạng của tôi tiến bộ mỗi năm. Thầy giáo thọ sẽ kiểm tra, vì thế việc luyện chữ của tôi được cải thiện và đẹp hơn qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Tôi phải rèn luyện nhiều để tiến bộ, tôi phải viết đi viết lại nhiều lần! Vì thế tôi có rất nhiều bài tập để làm, nhưng không có bài tập tiếng Anh.

R: Thưa Rinpoche, Ngài học những môn học này một mình hay cùng học với những Tulku hay các vị Tăng khác?

T: Tôi luôn học một mình, những Thầy giáo thọ đến phòng tôi giảng dạy và ra về. Tôi sắp đi Bhutan để tu học, nơi Khamtrul Rinpoche đang học, đó là đại học tự viện Tango. Đây là trường đại học giành cho các Rinpoche và chư Tăng, có rất nhiều người đang tu học ở đây. Trường đại học này được quản lý bởi chính phủ Bhutan và được thành lập theo truyền thống Drukpa. Sau vài tháng nữa tôi sẽ đi Bhutan. Tôi không biết tôi sẽ ở đó bao nhiêu năm và học những gì – tôi chưa biết rõ bất kỳ điều gì. Tôi chỉ làm những gì mà Đức Pháp Vương đã chỉ dạy, Ngài đã hướng đạo rằng tôi nên đến đó để tu học, tôi hiểu rõ điều này. Năm nay tôi mười bảy tuổi và đã tự học một mình trong phòng riêng khoảng mười ba năm.


(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche thời nhỏ cùng Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche)

R: Ngài học một mình như thế nào, khi còn nhỏ không sống hòa đồng với những cậu bé đồng lứa, Ngài cảm thấy như thế nào? Mọi thứ đều ổn với Ngài chứ?

T: Đối với tôi, nó không có gì lạ cả. Tôi đã tu học một mình từ khi còn rất nhỏ lúc lên bốn tuổi, từ đó đến nay tôi luôn học một mình. Tôi cảm thấy điều này rất bình thường. Khi tôi sang phòng bên cạnh, bốn hay năm Rinpoche đang cùng học với giáo thọ, tôi cảm thấy vui hơn vì tôi có thể nhìn thấy họ vui vẻ trong khi học tập. Nhưng tôi không thể lựa chọn để học với họ. Ngoài ra tôi không có một chút kinh nghiệm nào trong việc học cùng người khác vì thế tôi đang băn khoăn việc học tập ở Bhutan sẽ như thế nào.

R: Ngài có thường xuyên liên lạc với cha mẹ không?

T: Như bạn biết đấy, mẹ tôi đã qua đời khi tôi là một đứa trẻ sơ sinh. Cứ ba hoặc bốn năm một lần, tôi lại về thăm cha tôi ở khu vực Chushul Ladakh, biên giới Trung Quốc.

TU HỌC TẠI BHUTAN

R: Trong suốt những năm tiếp theo, Ngài sẽ tiếp tục tu học ở Bhutan. Ngài đã biết mình sẽ học lĩnh vực gì chưa? Ngài có biết khoảng thời gian này sẽ mang lại cho Ngài điều gì không?

T: Tôi nghĩ rằng tôi sẽ học môn triết học là chính. Có rất nhiều kinh điển để học. Điều này khó có thể giải thích cho bạn. Ngoài ra cũng có rất nhiều kinh điển phải học thuộc lòng. Tôi không biết sẽ học cụ thể những môn nào. Chỉ biết giống như trường đại học, bạn có thể tùy ý lựa chọn môn học, môn tiếng Anh cũng được giảng dạy ở đó.

R: Đại học Tango có hướng dẫn thực hành pháp tu “Sáu Yoga Của Naropa” trong chương trình tu học không?

T: Tôi không nghĩ vậy. Trường này cũng giảng dạy như các trường bình thường khác, thậm chí có cả kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Ngoài ra bạn không phải thực tập cúng dường Puja. Tuy nhiên ở Tango có một nơi riêng biệt để mọi người thực tập nhập thất. Ở Tango có hai ngọn núi: Một là đại học, một là tu viện. Rất nhiều người tới đây để thực hành nhập thất theo truyền thống ba năm sau khi kết thúc khóa học. Trong trường không dạy thiền định và các mật hạnh Yoga mà chủ yếu dạy triết học, giáo nghĩa các Phật thừa và Thư pháp.

ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN VỀ PHƯƠNG TÂY

R: Đây là lần đầu tiên Ngài rời Ấn Độ tới khu vực này. Ngài có thể nói cho chúng con một chút ấn tượng của Ngài về phương Tây không?

T: Tôi cảm thấy rất vui trong suốt chuyến đi. Tôi không có nhiều chương trình giảng dạy bởi vì chuyến đi này chủ yếu để nghỉ ngơi. Tuy nhiên chuyến đi này rất có ích với tôi, tôi được giao lưu với mọi người. Trước khi tới đây, tôi luôn học một mình ở tự viện. Ngoại trừ giáo thọ của tôi, không ai hỏi tôi bất cứ một câu hỏi nào và không ai thi đua với tôi. Chỉ có những giáo thọ của tôi. Nên khi tôi tới Châu Âu, ngồi trên bảo tòa, tổ chức lễ quán đỉnh, sau đó mọi người đã tới hỏi tôi, tôi có thể trả lời một cách dễ dàng vì không ai hỏi những câu hỏi khó. Điều này giúp tôi rất nhiều bởi vì tôi có một chút kinh nghiệm để giao tiếp với mọi người. Đây quả là một kinh nghiệm tốt.


(Đức Nhiếp Chính Vương trong một chuyến thăm Châu Âu)

Một số Rinpoche chỉ ở tự viện và giành tất cả thời gian cho việc tu học. Nếu bất chợt họ tới Châu Âu giảng pháp vào khoảng 30 tuổi thì thật khó để giao lưu với mọi người. Họ không biết phải dạy gì và giao tiếp như thế nào. Giờ đây tôi đã có một chút kinh nghiệm về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Khi đến đây, tôi biết tôi sẽ gặp những người nào, tôi nên giảng dạy như thế nào và họ sẽ hỏi những câu hỏi nào. Vì thế hiện nay, tôi đã có ý tưởng với những gì được mong đợi trong tương lai và điều đó rất lợi ích. Lý do chính mà tôi tới đây là bởi vì hóa thân đời trước của tôi đã tới Pháp và rất nhiều đệ tử của Ngài tại Monaco. Những đệ tử này đã thỉnh cầu Đức Pháp Vương từ hai hay ba năm trước đây cho phép tôi đến Pháp, nhưng thật khó vì vào thời điểm đó tôi còn rất nhỏ. Đức Pháp Vương nghĩ rằng chuyến đi Pháp lần này sẽ tốt cho tôi để thăm viếng nhiều nơi. Ngài cũng muốn tôi biết về những trung tâm đang được điều hành như thế nào. Tự viện và trung tâm ở đây thực hiện lễ cúng dường và các nghi lễ rất khác so với Tây Tạng. Đức Pháp Vương nói với tôi: “Thầy gửi con đến Châu Âu để con thêm kinh nghiệm.” Đó là những lý do chính để tôi tới đây.

Hiện nay tôi đã biết mình nên học môn gì. Tôi phải học môn học đó bởi vì nó rất lợi ích cho mọi người ở đây, thật là tốt để tôi hiểu điều này. Tôi cũng rất vui khi tới đây. Mọi người mời tôi đi khắp nơi! Và tôi cũng đã giảng pháp từ một đến hai tiếng.

NHỮNG DẤU ẤN TỪ QUÁ KHỨ

R: Ngài có cảm thấy những sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ đời trước của Ngài không?

T: Tôi không nhớ bất kỳ điều gì tôi đã nói hay làm khi con nhỏ. Nhưng rất nhiều người như Đức Pháp Vương, Bairo Rinpoche và bà Mayumla đã nói với tôi rằng khi còn nhỏ tôi có thể nhớ đời trước của mình và tôi đã có thể chọn đúng pháp khí của tôi trong đời trước. Tôi không nhớ về điều gì cả. Đời này dường như là một đời sống mới. Tôi không có một dấu ấn nào về đời trước của tôi.

TRUYỀN PHÁP VÀ NGHI THỨC TU TẬP

R: Ngài nghĩ những khó khăn nào Ngài sẽ gặp trong tương lai khi Ngài chính thức bắt đầu giảng pháp ở phương Tây để lợi ích chúng sinh?

T: Đây là một câu hỏi khó, ở phương Tây khi việc giảng dạy không khó hơn nhiều so với ở trong tu viện và các nước châu Á. Chúng tôi phải giảng dạy giáo pháp thâm diệu trong một cách đơn giản và trực tiếp. Không dễ để giảng cho người phương Tây đặc biệt bởi vì họ có tín ngưỡng riêng và những kinh nghiệm từ những tín ngưỡng này. Bởi vậy khi họ chuyển đến một tín ngưỡng tâm khác họ sẽ trải qua rất nhiều khó khăn. Thêm nữa việc giảng dạy ở Tây phương cũng là một nhiệm vụ rất khó bởi vì còn phải tùy xem sự tín ngưỡng của họ đối với Phật giáo sẽ như thế nào.

R: Khóa Dubchen tại trung tâm Drukpa Plouray so với khóa lễ ở tự viện Darjeeling như thế nào?

T: Khóa lễ ở trong tự viện không lớn như thế này. Khóa lễ ở đây rất lớn. Mỗi năm chúng tôi có ba khóa Drubchen trong tu viện Kalachakra, Mahakala và Yamantaka. Khóa Kalachakra hết 7 ngày, khóa Mahakala 7 ngày còn khóa Yamantaka thì 3 ngày nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực hành khóa Vajra Kilaya và lễ Mendrub hay Drubchen với vài trăm người. Chúng tôi thường thực hành khóa lễ Drubchen ở trong tự viện cùng với chư Tăng. Đó cũng giống như những công việc riêng mà chúng tôi thực hành với nhau hàng năm.

MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC PHÁP VƯƠNG

R: Ngài có thể kể về mối quan hệ của Ngài với Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII và ý nghĩa của mối quan hệ này?

T: Tất nhiên Đức Pháp Vương là Căn bản Thượng sư của tôi. Ngài vừa như người cha vừa như người mẹ của tôi, tôi như một người con nhỏ mặc dù Ngài là Thầy của tôi. Tôi thường xuyên nghĩ về Ngài và mãi mãi theo Ngài cho đến trọn đời, Đức Pháp Vương là bậc hướng đạo toàn bộ cuộc sống của tôi, và tôi thực sự tín thành với Ngài. Tôi không nghĩ rằng Ngài là bạn của tôi. Ngài là bậc Thầy, người hướng đạo suốt cuộc đời tôi.


(Nhiếp Chính Vương thuở nhỏ cùng Thượng sư, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

R: Ngài có thể cho chúng con biết Ngài đã nhận được gì từ mối quan hệ với Đức Pháp Vương?

T: Tôi đang nhận tất cả định hướng và tất cả giáo lý truyền trao từ Ngài. Ngài chỉ ra cho tôi con đường mà tôi phải đi, giống như một cảnh sát giao thông chỉ đường: “Hãy đi lối này, hãy đi lối kia”. Tôi đang thụ nhận giáo pháp, sự định hướng, và tràn đầy lòng từ bi của Ngài. Đức Pháp Vương đã từ bi với tôi và tôi cảm nhận được lòng từ bi sâu sắc vô hạn của Ngài.

MỐI QUAN HỆ VỚI NHIẾP CHÍNH VƯƠNG KHAMTRUL RINPOCHE

R: Khi chúng con thấy hai Ngài cùng nhau, thì rất dễ thực sự cảm nhận sự thân thiện của mối quan hệ này. Khi thấy được điều này, chúng con thấy rất tốt đẹp. Đức Pháp Vương từng nói rằng, cả Khamtrul Rinpoche và ngài đều là Pháp tử của Đức Pháp Vương. Mối quan hệ của Ngài với Khamtrul Rinpoche là như thế nào?

T: Khamtrul Rinpoche thực sự là họ hàng với bà Mayumla, mẫu thân của Đức Pháp Vương và Ngài là cháu của Đức Pháp Vương. Trong số những Rinpoche mà tôi biết thì Khamtrul Rinpoche là thiện trí thức đầu tiên của tôi. Ngài hơn tôi sáu tuổi. Chúng tôi lớn lên cùng nhau từ khi còn nhỏ. Chúng tôi chơi và thi đua với nhau trong mọi lúc. Chúng tôi không chỉ là bạn pháp thông thường mà là bạn tâm giao. Chúng tôi có những bạn chung và cả hai đều rất thành tín sâu sắc với Đức Pháp Vương. Mối quan hệ của chúng tôi đã trợ giúp tôi rất nhiều trong những tiến bộ trong tu học và cả thực hành tiếng Anh. Bất kỳ khi nào tôi ban quán đỉnh thì Khamtrul Rinpoche luôn đi cùng tôi và trợ giúp cho tôi. Ngài như một người anh cả của tôi; trong tu viện, tôi thân thiết, lân mẫn với Ngài nhất. Vài tháng nữa, khi tôi đến Bhutan, tôi sẽ ở bên Ngài bởi vì Ngài cũng đang nghiên cứu, tu học ở cùng tự viện đại học.


(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche cùng Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche)

LỜI KHUYÊN CHO NHỮNG NGƯỜI TU HỌC THEO TRUYỀN THỪA DRUKPA

R: Ngài là một trong những bậc thầy chính của truyền thừa Drukpa, và như Ngài đã biết có rất nhiều trung tâm Drukpa trên khắp thế giới (một vài trung tâm được bắt đầu từ người tiền nhiệm của Ngài, một vài được bắt đầu bởi Đức Pháp Vương, hoặc bởi những Rinpoche khác của truyền thừa). Xin ngài đưa những lời khuyên thiết thực quý giá cho những đệ tử ngoại quốc của dòng truyền thừa Drukpa, những người đang hy vọng sự che chở tâm linh từ Ngài trong tương lai?

T: Khi các bạn đang ở một trong những trung tâm của chúng tôi hay trong bất kỳ trung tâm Phật giáo nào, thì điều quan trọng nhất là phải tìm được cho mình một bậc thầy chân chính và thực hành tất cả những gì Ngài truyền dạy. Thêm vào đó, phải lắng nghe giáo pháp của Ngài và đưa vào thực hành trong đời sống. Rất nhiều người muốn trở thành Phật tử nhưng thật là khó để có một bậc Thượng sư chân chính. Giờ đây bạn đã có một nơi tốt trong trung tâm này để phát triển sự thực hành của mình, và bạn đã có một bậc thầy vĩ đại như Đức Pháp Vương, người đang hướng đạo cho bạn. Bạn cũng có rất nhiều bạn Pháp, có tới hàng trăm, hàng nghìn người trong Tăng đoàn chân chính đang nâng đỡ bạn và bạn đã có một thân người quý giá. Như vậy, tất cả mọi thứ đều hoàn hảo. Giờ đây, điều cốt yếu là mọi thứ đều tùy thuộc vào bạn: Bạn đã có một bổn phận để làm. Bạn phải theo một bậc Thầy ngay khi bạn đã quy y với Ngài. Bạn phải lắng nghe bậc Thầy và thực hành bất kỳ điều gì mà Ngài hướng dẫn, và điều cốt yếu là cần tâm dâng hiến đối với bậc Thầy. Nếu không có tâm dâng hiến đối với bậc Thầy thì chẳng có ý nghĩa gì khi bạn ở trong trung tâm này.

Đức Phật dạy rằng, trước khi bạn chấp nhận một bậc Thầy, bạn cần phải tìm hiểu về Ngài. Khi bạn thấy rằng, thầy của bạn tốt đẹp ngay lần đầu tiên bạn hạnh ngộ Ngài, bạn có thể sẽ nói: “Ồ, Ngài rất tốt đẹp, con muốn làm đệ tử của Ngài”, tuy nhiên bạn không nên làm như vậy, bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ càng về bậc Thầy trong nhiều năm, rồi sau đó, hãy theo làm đệ tử ngài, bạn sẽ luôn lễ bái bậc Thầy và hãy đừng bao giờ phàn nàn về Ngài. Đây là điều then chốt mà tôi thường nói ở các trung tâm. Tôi từng tới nhiều trung tâm, như Pháp, Đức, Thụy sĩ, Monaco v.v…Tôi từng nói với họ tất cả những điều như vậy. Tôi cũng nói với họ rằng, nhiều Lama và chư Tăng tới đây và tôi cũng đến đây đều do sự chỉ giáo của Đức Pháp Vương. Giờ đây bạn đã có một nơi chốn tuyệt vời cùng một bậc Thầy vĩ đại; xả thân để giúp đỡ bạn và hết thảy chúng sinh. Như vậy, bây giờ mọi thứ sẽ còn chỉ phụ thuộc vào bạn.

TƯƠNG LAI KHÔNG XA

R: Ngài đang thực sự mong muốn điều gì trong tương lai?

T: Tôi chỉ mong muốn được tiếp tục trong những chuyến đi giảng pháp với Thượng sư của tôi, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tôn quý.

Nguồn: Tạp chí Dragon

 

ĐỨC DRUKPA THUKSEY RINPOCHE - BẬC HOÁ THÂN BỒ TÁT (Phần I)


ĐỨC DRUKPA THUKSEY RINPOCHE - BẬC HOÁ THÂN BỒ TÁT (Phần II)



ĐỨC DRUKPA THUKSEY RINPOCHE - BẬC HOÁ THÂN BỒ TÁT (Phần III)
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,190
Số người trực tuyến: